Ngày 20/12/2022, tại Hà Nội, gần 100 đại biểu đã tham gia cuộc họp tổng kết dự án Tăng cường năng lực của cấp cơ sở chuẩn bị ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID) và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2023 do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) tổ chức.
Tham gia cuộc họp, có đại diện từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, các chuyên gia y tế đến từ một số viện nghiên cứu và trường đại học, đại diện ban điều phối dự án cùng với 80 đại biểu đến từ 27 xã thuộc 9 huyện của 3 tỉnh dự án là Vĩnh Phúc, Khánh Hoà và Long An. Từ phía nhà tài trợ có ông Sasaki Shohei, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; bà Yumiko Yamashita, Chuyên gia cao cấp về thiết kế dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); bà Đào Lan Hương và bà Nguyễn Thuỳ Anh, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm Dự án. Từ phía Ban quản lý Dự án có bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, giám đốc Dự án; ông Trần Đắc Phu, Giám đốc Kỹ thuật của dự án, cùng các cán bộ trong Ban Quản lý Dự án.
Phát biểu khai mạc, ông Sasaki Shohei nhấn mạnh: “Dự án này là một sáng kiến vô cùng ý nghĩa để tăng cường sự chuẩn bị và đáp ứng với COVID-19 thông qua việc đảm bảo sự vận hành của hệ thống y tế tại tuyến cơ sở. Nhật Bản rất vui được tài trợ cho dự án này”.
Nói về mục đích của cuộc họp, Ts Khuất Thu Hồng chia sẻ: “Buổi họp hôm nay là sự kiện rất quan trọng với dự án vì đây là cơ hội để dự án báo cáo với các cơ quan hữu quan của chính phủ và các nhà tài trợ những hoạt động dự án đã thực hiện trong năm thứ nhất. Đây cũng là lần đầu tiên đại diện của ba tỉnh dự án cùng gặp gỡ để thảo luận kế hoạch hoạt động cho năm tiếp theo”.
Ban Quản lý Dự án đã trình bày tóm tắt những hoạt động đã được thực hiện và các kết quả đã đạt được, những thách thức cũng như các giải pháp.
Về kết quả hoạt động trong năm 2022, dự án đã:
- Tổ chức 3 hội thảo khởi động dự án tại Khánh Hòa, Long An, Vĩnh Phúc với sự tham gia của 240 đại biểu các cấp, ngành liên quan;
- Phát triển các tài liệu kĩ thuật như “Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phối hợp liên ngành để sẵn sàng ứng phó đại dịch COVID-19 tại tuyến xã“, “Phòng ngừa lây nhiễm tại trung tâm y tế“, “Duy trì cung cấp dịch vụ cơ bản tại trung tâm y tế xã trong bối cảnh dịch bệnh”, “Hỗ trợ điều trị và chuyển tuyến các trường hợp COVID-19”, “Hướng dẫn về Truyền thông nguy cơ”, và “Cẩm nang truyền thông cộng đồng”;
- Thị sát 27 xã dự án thảo luận về kế hoạch hoạt động cũng như tìm hiểu về những trang thiết bị cần thiết các xã cần dự án hỗ trợ;
- Thành lập mạng lưới của các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm nhóm dân tộc thiểu số, lao động nhập cư, người cao tuổi và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;
- Kiện toàn nhân sự bộ máy quản lý: thành lập Ban quản lý Dự án ISDS, Ban điều phối dự án cấp tỉnh và Ban cố vấn.
- Hoàn thành khảo sát đầu kì;
- Triển khai việc thành lập Trung tâm thông tin trực tuyến của dự án nhằm cung cấp các thông tin về hoạt động dự án, lưu trữ và chia sẻ các tài liệu phát triển của dự án, tiếp nhận và phản hồi các ý kiến về dự án.
Trong quá trình thực hiện Dự án đã điều chỉnh một số hoạt động cho phù hợp với tình hình mới sau khi tham vấn với địa phương và nhà tài trợ, đẩy nhanh tiến độ các hoạt động trong thời gian tới, làm việc với địa phương, đảm bảo duy trì việc thực hiện dự án một cách thuận lợi.
Đại diện Cục Y tế dự phòng đã cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 và công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam trong bối cảnh mới, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp của các Bộ, ngành và việc nâng cao năng lực cho cấp cơ sở nhằm ứng phó những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Bà Đào Lan Hương, Chủ nhiệm Dự án chia sẻ: “Dự án được chuẩn bị trong thời điểm khoảng giai đoạn 2 của dịch COVID-19 tại Việt Nam, bây giờ tình hình dịch bệnh đã khác, tuy nhiên dự án vẫn hết sức phù hợp bởi vẫn có thể tăng cường năng lực cho cấp cơ sở, nơi đóng vai trò rất quan trọng trong phòng bệnh, đồng thời những bài học về COVID-19 cũng phù hợp cho việc chuẩn bị và ứng phó với các bệnh dịch khác trong tương lai”.
Nội dung tiếp theo được các đại biểu rất quan tâm là kết quả đánh giá đầu kì của dự án được thực hiện tại một số xã thuộc 9 huyện của dự án với sự tham gia của hơn 1.000 người, bao gồm người dân tại địa phương, người lao động nhập cư, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người có H, cán bộ y tế, cán bộ xã. Nội dung đánh giá tập trung vào 4 phần chính: năng lực phối hợp liên ngành, năng lực của các bộ y tế xã, kiến thức thái độ và hành vi của người dân, sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương. Báo cáo đưa ra một số kết luận như:
- Cả người dân, cán bộ y tế và cán bộ xã đã có kiến thức cơ bản về biểu hiện, đường lây truyền, hành vi nguy cơ, các biện pháp phòng tránh COVID-19, tuy nhiên vẫn còn nhiều khoảng trống trong kiến thức đúng về phòng chống nhiễm khuẩn, xử lí rác/chất thải ở gia đình và cơ sở y tế, thực hành phòng lây nhiễm và hỗ trợ điều trị, tiêm vắc xin.
- Các nhóm dễ bị tổn thương có nguy cơ cao hơn bị ảnh hưởng về kinh tế, sức khỏe trong dịch, gặp khó khăn hơn trong tiếp cận dịch vụ do hạn chế đi lại, có các nhu cầu chưa được đáp ứng về thông tin và dịch vụ, chưa được tham gia vào quá trình làm chính sách, truyền thông, chưa được kết nối vào các mạng lưới đồng đẳng
- Về truyền thông, loa phát thanh là kênh phổ biến nhất và cũng là kênh được người dân tin cậy nhất. Tuy nhiên, nhìn chung cấp cơ sở hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin phòng chống dịch từ tuyến trên đưa xuống. Cán bộ truyền thông tuyến xã cảm thấy không tự tin với kiến thức về COVID-19 vì có quá nhiều và thay đổi liên tục.
- Về phối hợp liên ngành hiện đã có cơ chế điều phối và huy động cộng đồng ở tất cả các cấp, tuy nhiên chưa có cơ chế phối hợp chủ động giữa các đơn vị thành viên của Ban chỉ đạo; Ban chỉ đạo thiếu kiến thức và kĩ năng dự báo dịch do vậy thường bị động, chủ yếu là triển khai các chính sách ở trên đưa xuống; ít có sự tham gia của các thành viên và đại diện của nhóm yếu thế trong các quyết định và hoạt động của Ban chỉ đạo
Báo cáo khảo sát đầu kỳ cũng đưa ra một số khuyến nghị như cần nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về phòng ngừa lây nhiễm, chăm sóc và điều trị tại nhà, tác dụng/tác dụng phụ của vắc xin và đối tượng tiêm vắc xin; tập huấn cho cán bộ Ban chỉ đạo về dự báo dịch, lập kế hoạch, điều phối; tập huấn cán bộ chuyên trách truyền thông về thông tin liên quan đến COVID-19 và các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc, điều trị, truyền thông nguy cơ; tăng cường sự tham gia của người dân đặc biệt của các nhóm dễ bị tổn thương…
Các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận về kế hoạch hoạt động cho năm 2023 liên quan đến đào tạo, tổ chức các hoạt động truyền thông và thành lập các nhóm Zalo của từng thôn/ấp/phường tại 27 xã dự án, hoàn thiện và nâng cao năng lực cho các mạng lưới của những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương.
Về đào tạo, dự kiến trong năm 2023 dự án sẽ triển khai nhiều lớp tập huấn về các chủ đề như phối hợp liên ngành; nâng cao năng lực cho y tế xã về kiểm soát nhiễm khuẩn, duy trì các dịch vụ y tế cơ bản và hỗ trợ chuyển tuyến; truyền thông nguy cơ cho lực lượng tuyến đầu… Các chuyên gia tuyến trung ương sẽ tập huấn cho giảng viên tuyến tỉnh, huyện, sau đó giảng viên tuyến tỉnh, huyện sẽ tập huấn cho cán bộ y tế tại các xãdự án với sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia trung ương. Cán bộ y tế xã sẽ phổ biến lại những nội dung cơ bản cho cộng tác viên y tế thôn bản.
Về truyền thông, dự án sẽ đẩy mạnh các sáng kiến truyền thông trong cộng đồng như phát động cuộc thi vẽ tranh cho các trường tiểu học trên địa bàn dự án, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức đoàn thể thực hiện những video clip ngắn về phòng chống bệnh dịch…
Để các xã/phường đảm bảo phổ biến thông tin đến toàn bộ các hộ gia đình tại địa phương, Dự án sẽ hỗ trợ các xã dự án thành lập danh sách các hộ gia đình kết nối nhóm zalo của từng thôn/bản/phường và từ đó thành lập mạng lưới zalo của xã/phường. Dự kiến mạng lưới có thể đi vào hoạt động trong đầu năm 2023.
Trong năm 2022 dự án đã thành lập được 4 mạng lưới của các nhóm dễ bị tổn thương. Trong năm 2023 dự án sẽ tiếp tục thành lập 4-5 mạng lưới khác và hỗ trợ để các mạng lưới mở rộng kết nối thêm các thành viên mới. Dự án sẽ triển khai các cuộc tập huấn để nâng cao năng lực về truyền thông, tư vấn tâm lý, kiến thức về phòng chống dịch bệnh… cho các thành viên nòng cốt của những mạng lưới này.
Chia sẻ cuối cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, giám đốc kỹ thuật của Dự án cho biết: “Tôi cho rằng dự án rất quan trọng vì đại dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch. Điều quan trọng ở đây là dự án can thiệp vào những hoạt động rất cơ bản và cần thiết không chỉ với COVID-19 mà còn với các tình huống khẩn cấp khác về sức khoẻ ngay tại tuyến xã. Ví dụ như hỗ trợ liên ngành để giúp tuyến xã xây dựng kế hoạch phối hợp phòng chống dịch hiệu quả, phòng lây nhiễm ở trạm y tế, chuyển tuyến để không gây quá tải hệ thống y tế… Nếu dự án thực hiện tốt ở 27 xã, có thể nhân rộng mô hình lên cho các xã khác trong việc nâng cao chất lượng hoạt động cho cấp cơ sở trong việc phòng chống COVID-19 nói riêng, các bệnh dịch và các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp khác nói chung”.