Nhằm hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với các tình huống khẩn cấp về sức khoẻ, đặc biệt trong các hoạt động truyền thông, ngày 27-28/7 vừa qua, tại Tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đã tổ chức lớp tập huấn mang tên “Nâng cao kỹ năng truyền thông nhằm trang bị kiến thức về truyền thông nhóm nhỏ và ôn lại các kỹ năng truyền thông, quản trị nhóm Zalo”.
Lớp tập huấn đã thu hút sự tham gia của hơn 36 thành viên nòng cốt đến từ Nhóm CLB Người Sán Dìu, Nhóm Chủ Nhà Trọ Kiền Sơn, Nhóm Nắng Cuối Trời tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra còn có sự tham gia của 4 cán bộ thuộc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Tam Đảo, TTYT huyện Bình Xuyên, TTYT Tp. Vĩnh Yên, Khoa Truyền thông – Giáo dục sức khoẻ (CDC) tỉnh Vĩnh Phúc. Giảng viên của lớp tập huấn là chuyên gia phát triển cộng đồng và chuyên gia truyền thông của dự án.
Trong ngày tập huấn đầu tiên, các thành viên đã cùng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức truyền thông nhóm nhỏ tại địa phương, đồng thời thực hành các kỹ năng quan trọng trong truyền thông nhóm nhỏ như đặt câu hỏi, tóm tắt, làm rõ, ngăn chặn, kết nối & lên kế hoạch.
Sang ngày thứ 2, các thành viên đã dành nhiều thời gian thực hành kỹ năng tìm kiếm và kiểm tra thông tin, viết tin ngắn, quản trị và truyền thông trên nhóm Zalo cộng đồng.
“Qua lớp tập huấn này, tôi cũng như nhiều người trong nhóm đã có cơ hội thực hành tốt hơn những kỹ năng liên quan đến truyền thông. Điều này giúp chúng tôi thực hiện các cuộc truyền thông trong nhóm nhỏ một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng sử dụng ứng dụng Zalo một cách hiệu quả hơn để cung cấp thông tin đến các thành viên trong nhóm và những người xung quanh một cách chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu.” – Một thành viên của Nhóm CLB Người Sán Dìu chia sẻ.
Lớp tập huấn này là một trong các hoạt động thuộc Dự án Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID) do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện và được Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới tài trợ. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực của chính quyền địa phương, trạm y tế xã, cộng đồng và nhóm dân cư dễ bị tổn thương tại 27 xã thuộc 9 huyện ở 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Long An trong phòng chống, ứng phó với COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp về y tế khác.