Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu xem thế nào là người đàn ông trong xã hội Việt Nam, những chuẩn mực và khuôn mẫu nam tính nào tham gia vào sự ‘kiến tạo’ ra người đàn ông và ý nghĩa của quá trình đó trong cuộc sống của đàn ông Việt Nam. Cụ thể, nghiên cứu này nhằm trả lời những câu hỏi sau: (i) Thế nào là một người đàn ông Việt Nam, hay nam tính Việt Nam đã được kiến tạo như thế nào? (ii) Đàn ông Việt Nam nghĩ gì về phụ nữ và nam giới và bình đẳng giới, (iii) Yếu tố nào định hình và / hoặc ảnh hưởng đến nam tính ở Việt Nam?, (iv) Những chuẩn mực và khuôn mẫu nam tính nào tạo ra các hành vi giới có hại của nam giới? và (v) Những chuẩn mực và khuôn mẫu nam tính nào nuôi dưỡng những thực hành giới tích cực của đàn ông?
Đây là nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về nam giới và nam tính ở Việt Nam được thực hiện với 2567 nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 64 tuổi đang sống ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Hòa Bình. Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp những kiến thức có giá trị về các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của nam giới Việt Nam, đặc biệt là cách họ nhập tâm và bị giới hạn trong các chuẩn mực giới truyền thống cứng nhắc mà nhiều trong số đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của họ. Những phát hiện này sẽ góp phần vào việc thiết kế các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn để tạo ra những thay đổi tích cực góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nam giới, cũng như tăng cường sự tham gia tích cực của nam giới vào nỗ lực tập thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 504.05-2018.02.