TRƯỚC KHI DI CƯ LAO ĐỘNG
1. Tôi có nên đi lao động nước ngoài hay không? Tôi cần phải cân nhắc những việc gì trước khi đi?
Di cư lao động nước ngoài không phải là một hiện tượng mới của phụ nữ ở Việt Nam. Từ đầu thế kỷ 20, phụ nữ Việt Nam đã từng di cư sang các thuộc địa của Pháp trên Thái Bình Dương để lao động kiếm tiền. Trong những năm 1980-1990 lao động nữ chiếm 10% trong số những công nhân Việt Nam đi làm việc ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Trong những năm gần đây, theo thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước, trong số hơn nửa triệu lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, phụ nữ chiếm xấp xỉ 40%. Đi lao động nước ngoài có thể là cơ hội tốt cho phụ nữ như tăng thu nhập, học hỏi và nâng cao những kỹ năng cá nhân và tay nghề, trải nghiệm cuộc sống ở một nền văn hoá khác, biết thêm một ngoại ngữ.
Tuy nhiên, di cư lao động nước ngoài cũng mang đến nhiều rủi ro và khó khăn vì vậy bạn nên cân nhắc một số yếu tố:
- Có bắt buộc phải di cư lao động nước ngoài không hay bạn vẫn còn lựa chọn nào khác?
- Bạn đã tìm mọi việc có thể làm ở trong nước hay chưa?
- Bạn đã tìm hiểu xem có những rủi ro gì có thể gặp phải trong quá trình di cư lao động nước ngoài hay chưa?
- Nếu quyết định di cư lao động nước ngoài thì bạn đã tìm hiểu đầy đủ về quốc gia và thị trường lao động nơi bạn dự định đi lao động hay chưa?
- Có nghề gì phù hợp với năng lực bản thân không?
- Bạn có đủ kinh nghiệm cho nghề mình chọn hay chưa?
- Bạn biết gì về quốc gia đích đến nơi bạn dự định di cư lao động?
- Văn hóa, ngôn ngữ, khoảng cách địa lý có phù hợp với bản thân hay không?
- Bạn có người quen ở nơi dự định di cư lao động nước ngoài hay không?
- Khả năng tài chính của bạn có thể đáp ứng được các chi phí cho chuyến đi lao động nước ngoài hay không? (tiền đặt cọc, chi phí liên quan đến làm hồ sơ và chuẩn bị trước khi đi lao động, tiền mua vé khứ hồi phục vụ di chuyển, tiền ăn, tiền thuê nhà ở nước ngoài, tiền mua những vật dụng cần thiết trước chuyến đi, v…v…)
- Bạn có tham khảo kinh nghiệm của những người đã từng di cư lao động nước ngoài mà bạn quen biết hay không?
- Bạn đã cân nhắc kỹ về các công việc ở nhà và mối quan hệ gia đình trước khi quyết định di cư lao động nước ngoài hay chưa?
2. Làm thế nào để tìm hiểu về cuộc sống khi đi lao động ở nước ngoài?
- Hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
- Tìm hiểu các thông tin về quốc gia bạn mong muốn đến trên mạng internet. Nếu biết ngôn ngữ của quốc gia đó, bạn có thể tìm hiểu về các văn bản pháp luật liên quan tới lao động dành cho lao động nước ngoài của nước đó.
- Tham gia các nhóm trên mạng xã hội của cộng đồng người Việt ở quốc gia bạn mong muốn đến để hỏi han kinh nghiệm và xem các chủ đề người Việt ở nước đó quan tâm. Từ đó sẽ biết người Việt Nam thường gặp những khó khăn gì, có các hoạt động cộng đồng gì? Nếu có thể tìm và tham gia được các nhóm cho người lao động từ sớm thì càng tốt.
3. Tôi phải lưu ý những điều khoản gì trong hợp đồng lao động của tôi? Tôi cần kiểm tra những chi tiết nào trong hợp đồng trước khi kí tên?
- Bạn yêu cầu phải có bản hợp đồng bằng tiếng Việt và chỉ ký vào bản hợp đồng tiếng Việt.
- Đối với Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người tham gia di cư lao động cần chú ý thỏa thuận các nội dung sau:
– Quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động;
– Ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động (nếu có).
(Điều 21 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020)
- Kiểm tra kỹ mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để đảm bảo rằng đó là Mẫu số 03 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH. (Tham khảo toàn văn Thông tư tại đường link: https://bit.ly/3BSXW6z)
- Trong hợp đồng cần kiểm tra kỹ các thông tin sau:
- Tên đầy đủ của bạn
- Ngày, tháng, năm sinh của bạn
- Quốc tịch của bạn
- Số hộ chiếu của bạn
- Địa chỉ và số điện thoại của bạn
- Thời hạn hợp đồng của bạn, cần được thỏa thuận kỹ giữa bạn và người sử dụng lao động của bạn (cho dù bạn làm ngắn hạn hai dài hạn)
- Ngày bắt đầu, ngày kết thúc của hợp đồng
- Các điều khoản liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng sớm
- Bản chất công việc của bạn tại nơi tiếp nhận lao động là gì (hồ sơ công việc / mô tả công việc)
- Tên, địa chỉ, chi tiết liên hệ (điện thoại, fax, hotline, email, v…v…), mã số thuế đầy đủ của công ty và cá nhân tiếp nhận lao động.
- Tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm, các lợi ích tài chính khác (nếu có) mỗi tháng cụ thể là như thế nào.
- Chi tiết về thời gian làm việc hàng ngày, số giờ được làm thêm hàng ngày/tuần/tháng (tăng ca) theo luật.
- Số ngày được nghỉ hàng tuần/tháng/năm
- Chế độ nghỉ ốm, nghỉ phép
HIỂU BIẾT VỀ CÁC QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
4. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đảm bảo các quyền như thế nào?
Theo Khoản 1, Điều 6, Luật số 69/2020/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực từ ngày 01/1/2022 thì người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có các quyền sau đây:
- a) Được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến người lao động; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- b) Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề;
- c) Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
- d) Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
- e) Hưởng chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;
- g) Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần;
- h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- i) Được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.
Tham khảo Luật số 69/2020/QH14 tại đây: https://bit.ly/3p7YZrQ
- k) Các quyền khác được đảm bảo theo luật pháp quốc gia đích đến và các điều khoản trong hợp đồng lao động.
5. Những điều cần thực hiện để tránh vi phạm nội quy, quy chế?
- Đối với người đi lao động có hợp đồng: Tìm hiểu kỹ các nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Khoản 2, Điều 6, Luật số 69/2020/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực từ ngày 01/1/2022 (https://bit.ly/3p7YZrQ);
- Nắm bắt được các luật, quy định cơ bản của quốc gia đích đến liên quan tới quyền và nghĩa vụ của lao động nước ngoài và các quy định khác về dân sự, hình sự (nếu có thể). Cố gắng tìm hiểu xem lao động nước ngoài hay bị vi phạm những vấn đề gì tại quốc gia đích đến và cách chủ động tránh những lỗi này;
- Đọc kỹ và tôn trọng hợp đồng lao động mà mình ký với người sử dụng lao động, đặc biệt chú ý tới các điều khoản về quyền và nghĩa vụ cũng như các điều khoản liên quan tới yêu cầu công việc, kỷ luật lao động, giờ làm, chế độ nghỉ phép … nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm các điều khoản mà mình đã ký với bên sử dụng lao động;
- Luôn kiểm tra định kỳ thời hạn giấy phép lao động, giấy phép cư trú của mình để tránh rơi vào trường hợp hết hạn giấy phép lao động, giấy phép cư trú. Liên hệ ngay với người sử dụng lao động nếu có bất kỳ vấn đề gì liên quan tới các thủ tục hành chính của các giấy tờ nói trên;
- Tự mình quản lý tất cả các giấy tờ tuỳ thân và các giấy tờ quan trọng của mình (hộ chiếu, giấy phép lao động, giấy phép cư trú, hợp đồng lao động) và cất ở nơi an toàn nhất. Nếu có thể, sao y bản chính có công chứng của các cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia tiếp nhận đối với các giấy tờ trên để xuất trình và sử dụng khi cần thiết hoặc sử dụng sau này trong trường hợp thất lạc giấy tờ gốc.
- Không ký bất kỳ tài liệu nào mà bạn không thể đọc và hiểu một cách đầy đủ, hoặc bạn hiểu nhưng không đồng ý.
- Nộp đơn khiếu nại tới người sử dụng lao động ngay lập tức khi bạn gặp phải bất kỳ vi phạm hợp đồng nào của người sử dụng lao động, đồng thời thông báo tới các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động nước ngoài tại quốc gia tiếp nhận, bên cạnh đó cũng cần báo ngay với cơ quan lãnh sự của Việt Nam nơi gần nhất để đảm bảo bạn sẽ nhận được bảo hộ công dân và hỗ trợ lãnh sự khi cần thiết.
- Theo dõi, ghi lại chi tiết các trường hợp vi phạm hợp đồng và tập hợp bằng chứng (ví dụ chụp ảnh, ghi âm nếu có thể) để phục vụ cho các thủ tục khiếu nại, bảo hộ phát sinh sau này.
- Tập thói quen lưu giữ hồ sơ bảng chấm công, phiếu lương và các giấy tờ chi phí phát sinh hàng tháng.
- Luôn giữ đồ đạc cá nhân của bạn ở nơi an toàn nhất có thể.
- Trong suốt thời hạn hợp đồng lao động của bạn và ngay cả sau khi hợp đồng lao động hết hạn, bạn không nên tiết lộ bất kỳ thông tin nào (tài chính, kỹ thuật, nhân sự, v…v…) liên quan đến người sử dụng lao động và công ty/doanh nghiệp mà bạn ký hợp đồng lao động vì bất kỳ lý do gì nhằm tránh những rủi ro phát sinh không đáng có về mặt pháp lý và tài chính cho bản thân.
6. Việc gia nhập công đoàn lao động và các tổ chức tương tự có quan trọng không? Làm thế nào để gia nhập được những tổ chức này?
- Tham gia công đoàn lao động cũng như tham gia các tổ chức tương tự là rất quan trọng trong quá trình di cư lao động cũng như quá trình sinh sống, làm việc tại quốc gia điểm đến vì nó mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người phụ nữ lao động di cư (được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi các quyền và lợi ích đó bị xâm phạm; được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; có cơ hội được hưởng lương và phúc lợi tốt hơn; được bảo vệ chống lại phân biệt đối xử về chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục và tình trạng khuyết tật; v…v…).
- Nếu có công đoàn tại nơi làm việc, bạn có thể hỏi đại diện công đoàn về việc tham gia. Chi tiết liên hệ của họ có thể có trong sổ tay công ty của bạn, trang mạng nội bộ hoặc trên bảng thông báo của công đoàn. Đại diện công đoàn sẽ cho bạn biết liệu bạn có đủ điều kiện tham gia hay không, giải thích các quyền lợi và nghĩa vụ của bạn khi tham gia cũng như cung cấp cho bạn biểu mẫu thành viên để điền vào.
- Đối với các tổ chức tương tự như công đoàn, bạn có thể tìm hiểu các bước/thủ tục tham gia qua đồng nghiệp tại nơi làm việc, hỏi kinh nghiệm của những người bạn quen biết đã/đang có hợp đồng lao động với cùng người sử dụng lao động.
CÁC RỦI RO CÓ THỂ GẶP PHẢI VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
7. Phụ nữ đi lao động nước ngoài có thể gặp những rủi ro gì?
- Nhìn chung, phụ nữ có ít lựa chọn hơn nam giới để di cư lao động nước ngoài thường xuyên và họ thường làm việc trong các khu vực phi chính thức, được trả lương thấp hơn với rất ít các biện pháp bảo vệ lao động (nếu có). Điều này khiến phụ nữ di cư lao động có nguy cơ cao bị bạo lực (bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần), lạm dụng và bóc lột, bao gồm cả việc trở thành nạn nhân của buôn bán người ở các điểm khác nhau của trong quá trình di cư lao động nước ngoài.
- Ngoài phân biệt đối xử trên cơ sở giới, lao động nữ di cư còn phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử khác làm hạn chế khả năng tiếp cận của họ với di cư lao động an toàn, tuyển dụng công bằng và cơ hội việc làm tốt trong suốt qúa trình di cư lao động.
8. Có các hình thức lừa đảo nào khi di cư lao động?
Một số hình thức lừa đảo phổ biến như sau:
- Hứa hẹn, cầm tiền và bỏ trốn: Để lấy lòng tin của người lao động, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng hình ảnh, mối quan hệ với người thân, bạn bè đang lao động, học tập, sinh sống ở các nước sau đó đưa cho người muốn đi lao động nước ngoài xem. Sau khi cho người muốn đi lao động xem hình ảnh, cuộc sống tươi đẹp nơi xứ người của người lao động Việt Nam ở các nước đó, các đối tượng lừa đảo vẽ ra viễn cảnh làm việc nhẹ, thu nhập cao, thậm chí có đối tượng còn bịa đặt câu chuyện về các lao động trên đều do họ đưa giờ mới có cuộc sống đổi đời…
- Móc nối với người đang lao động ở nước ngoài để tạo lòng tin cho người muốn đi lao động: tạo liên lạc giữa người muốn đi lao động qua mạng xã hội nói chuyện với người đang ở nước ngoài, và đối tượng ở nước ngoài vẽ ra những viễn cảnh tốt đẹp đang chờ đón người lao động sang như sẽ được đón từ sân bay, có việc làm ngay, ăn ở, sinh hoạt đã có người lo…
- Sử dụng chiêu thức “nhận người, nhận tiền”: các đối tượng lừa đảo vào ăn ở cùng người nhà của người lao động, khi người lao động đến được nước sở tại theo “hợp đồng miệng” ban đầu, có người nhận, đưa đi làm việc thì ở trong nước các đối tượng lừa đảo mới nhận tiền. Nhưng thực tế người lao động khi đến quốc gia tiếp nhận có việc làm và chỗ ăn ở, sinh hoạt tốt chỉ thực sự kéo dài 3 đến 5 ngày hoặc 1 hay 2 tuần lễ (do được sắp đặt để lừa), khi đối tượng lừa đảo trong nước nhận được tiền từ người nhà của người lao động thì bên kia người lao động cũng bị chúng đẩy ra đường.
9. Phụ nữ di cư lao động cần nắm được những thông tin gì để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người khi đi di cư lao động nước ngoài?
- Phụ nữ di cư lao động khi có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, nhất là tư cách pháp nhân của các đơn vị hay cá nhân nhận hồ sơ đưa người đi lao động. Kiểm tra về đơn vị, cá nhân đó qua nhiều nguồn khác nhau.
- Phụ nữ di cư lao động cũng cần lưu ý, tất cả công ty giới thiệu lao động ngoài nước đều phải có chương trình đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động, vì vậy khi bắt gặp cá nhân, công ty nào đó hứa hẹn không cần đào tạo “đi nhanh, lương cao” thì cần hết sức cảnh giác.
- Khi ký hợp đồng lao động, phụ nữ di cư lao động cần đảm bảo hợp đồng là theo mẫu được pháp luật quy định (Mẫu số 03 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH – Tham khảo toàn văn Thông tư tại đường link: https://bit.ly/3BSXW6z) và tìm hiểu rõ các thông tin về doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký trực tiếp với mình (giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp số bao nhiêu, ngày nào, người ký; tên doanh nghiệp; giấy đăng ký doanh nghiệp; mã số doanh nghiệp; địa chỉ doanh nghiệp; số điện thoại; địa chỉ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp). Danh sách và thông tin về những doanh nghiệp được cấp phép và bị đình chỉ hoạt động liên quan đến các dịch vụ cho lao động nước ngoài được Cục Quản lý Lao động ngoài nước đăng ở trên trang mạng: https://bit.ly/3c4dgTs.
Ngoài ra bạn có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý Lao động:
Địa chỉ: 41B Lý Thái Tổ, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội, Điện thoại: (84 24) 3824 9517/số lẻ 404
hoặc tìm hiểu qua các sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại địa phương.
- Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài cần ghi rõ nơi làm việc ở quốc gia điểm đến, yêu cầu cung cấp địa chỉ công ty/doanh nghiệp mà người lao động sẽ đến làm việc tại quốc gia tiếp nhận, mã số thuế, số điện thoại, địa chỉ trang thông tin điện tử của bên sử dụng lao động, sau đó kiểm tra trên Internet. Nếu doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không nêu được cụ thể hay né tránh ghi điều này thì đây là trường hợp không đáng tin và có thể dẫn đến các rủi ro và nguy hiểm.
- Tham gia các lớp bồi dưỡng về kiến thức cần thiết trước khi ra nước ngoài làm việc để mở rộng tiếp cận pháp lý.
CÁCH GIẢI QUYẾT CÁC MÂU THUẪN, XUNG ĐỘT VÀ BẠO LỰC TRONG QUÁ TRÌNH DI CƯ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
10. Phải làm như thế nào nếu có mâu thuẫn với chủ lao động? với người lao động khác?
(Theo nguồn: https://laodongphothong.vn/ban-chat-xung-dot-lao-dong-va-cach-khac-phuc)
- Phương pháp cạnh tranh: Đây là phương pháp giải quyết xung đột bằng cách sử dụng ảnh hưởng của mình. Ảnh hưởng này có từ vị trí, cấp bậc, chuyên môn, hoặc khả năng thuyết phục.
Áp dụng khi :
- Vấn đề cần được giải quyết nhanh chóng
- Người quyết định biết chắc mình đúng
- Vấn đề nảy sinh đột không phải lâu dài và định kì
- Phương pháp hợp tác: Là việc giải quyết xung đột bằng cách thỏa mãn tất cả mọi người có liên quan.
Áp dụng khi :
- Vấn đề là rất quan trọng, và có đủ thời gian để tập hợp quan điểm, thông tin từ nhiều phía để có phương pháp xử lý hoàn hảo nhất
- Trong nhóm đã tồn tại mâu thuẫn từ trước
- Cần tạo dựng mối quan hệ lâu dài giữa các bên
- Phương pháp lẩn tránh: Là cách giải quyết xung đột bằng cách phó mặc cho đối phương định đoạt, hoặc người thứ 3 định đoạt. Những người dùng phương pháp này không tham gia vào tranh luận để đòi quyền lợi. Dù cho kết quả thế nào họ cũng không có ý kiến, và thường tích tụ lại sự không hài lòng của mình.
Áp dụng khi :
- Vấn đề không quan trọng
- Vấn đề không liên quan đến quyền lợi của mình
- Hậu quả giải quyết vấn đề lớn hơn lợi ích đem lại
- Người thứ 3 có thể giải quyết vấn đề tốt hơn
- Phương pháp nhượng bộ: Là phương pháp xử lý xung động bằng cách sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình, mà không đòi hỏi hành động tương tự từ bên kia.
Áp dụng khi :
- Giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp là ưu tiên hàng đầu
- Cảm thấy vấn đề là quan trọng với người khác hơn với mình (thấy không tự tin để đòi quyền lợi cho mình)
- Sự khác nhau cơ bản giữa phương pháp “nhượng bộ” và “lẩn tránh” là ở mối quan tâm về đối phương và xung đột. Phương pháp nhượng bộ bắt nguồn từ sự quan tâm, trong khi phương pháp lẩn tránh bắt nguồn từ sự thờ ơ của cá nhân với đối phương lẫn xung đột.
- Phương pháp thỏa hiệp: Đây là tình huống mà trong đó mỗi bên chịu nhường một bước để đi đến giải pháp mà trong đó tất cả các bên đều cảm thấy thoải mái nhất.
Áp dụng khi :
- Vấn đề tương đối quan trọng, trong khi hai bên đều khăng khăng giữ mục tiêu của mình, trong khi thời gian đang cạn dần
- Hậu quả của việc không giải quyết xung đột là nghiêm trọng hơn sự nhượng bộ của cả 2 bên
*Nguyên tắc chung khi giải quyết xung đột
- Nên bắt đầu bằng phương pháp hợp tác
- Không thể sử dụng tất cả các phương pháp
- Áp dụng các phương pháp theo hoàn cảnh
- Sử dụng tư vấn pháp lý trong trường hợp các giải pháp trên không có tác dụng để đảm bảo lợi ích của bản than (không trực tiếp đôi co với phía có xung đột mà nên thông qua cơ quan tư pháp, thực thi pháp luật của quốc gia điểm đến, cơ quan đại diện ngoại giao/lãnh sự của Việt Nam).
11. Cưỡng bức lao động hay bóc lột lao động là gì? Tôi phải làm gì trong trường hợp này?
Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) xác định lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc là bất kỳ một công việc hoặc dịch vụ nào mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt nào đó và bản thân người đó không tự nguyện làm.
Một số dấu hiệu của cưỡng bức hoặc bắt buộc:
- Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động
- Lừa gạt
- Hạn chế đi lại
- Bị cô lập
- Bạo lực thân thể và tình dục
- Dọa nạt, đe dọa
- Giữ giấy tờ tùy thân
- Giữ tiền lương
- Lệ thuộc vì nợ
- Điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng
- Làm thêm giờ quá quy định
- Để hạn chế tới mức tối đa việc trở thành nạn nhân của bóc lột lao động, bạn cần làm những việc sau:
- Trước khi di cư lao động:
- Tìm kiếm thông tin về các quy định của pháp luật và quyền của người lao động tại quốc gia đích đến (thông qua cơ quan cấp thị thực, thông qua internet, thông qua các lớp cung cấp kiến thức trước khi di cư lao động, thông qua kinh nghiệm thực tế của những người đi trước, v…v…);
- Trước khi ký hợp đồng lao động cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng lao động liên quan tới các quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động;
- Cố gắng học ngôn ngữ của quốc gia đích đến để tăng cường hiểu biết các quyền của người lao động.
- Trong di cư lao động và tại nơi làm việc:
- Tham gia công đoàn hoặc các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động tại quốc gia đích đến;
- Luôn có ý thức phản biện mang tính hợp tác và xây dựng đối với người sử dụng lao động khi cảm thấy phía sử dụng lao động không tuân thủ các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong hợp đồng đã ký kết hoặc có hành vi bóc lột lao động;
- Luôn có ý thức lưu giữ bằng chứng bóc lột lao động của người sử dụng lao động để sử dụng trong trường hợp phải đưa ra xử lý bằng các biện pháp pháp lý;
- Luôn lưu các số điện thoại liên hệ cần thiết của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động ở quốc gia đích đến, của cơ quan đại diện ngoại giao/lãnh sự của Việt Nam tại quốc gia đích đến (nơi gần nhất), điện thoại của người thân để có thể liên lạc ngay khi cần thiết.
12. Phụ nữ di cư lao động có thể gặp phải những dạng bạo lực nào?
Phụ nữ di cư lao động có thể gặp nhiều dạng bạo lực khác nhau như bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Hầu hết các nạn nhân của bạo lực giới thường trải qua nhiều dạng bạo lực. Bạo lực thể chất thường đi đôi với bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục. Bạo lực này cũng có thể xảy ra trong cả quá trình di cư từ trước khi đi, trong lúc đang ở nước ngoài cho đến sau khi quay trở về nhà.
13. Vì sao khi đi di cư lao động nhiều phụ nữ gặp rủi ro bị bạo lực giới?
- Phụ nữ di cư lao động không được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng ngừa và ứng phó bạo lực giới nên có thể trở thành nạn nhân của bạo lực từ phía chủ lao động hoặc những người khác. Tuy nhiên, ít người dám lên tiếng vì:
- Thiếu kiến thức về luật pháp;
- Sợ báo công an sẽ bị trục xuất về nước (do di cư lao động không có hợp đồng hoặc di cư lao động không có bảo lãnh);
- Không biết cách lưu giữ bằng chứng về việc bị bạo hành;
- Không biết tiếng bản xứ: không thể trình bày, sợ không ai tin;
- Sợ gia đình biết chuyện: Sợ chồng giận, sợ bị mang tiếng ảnh hưởng đến gia đình.
CÁCH PHỒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ KHI BỊ BẠO HÀNH, BẠO LỰC
14. Tôi có thể làm gì để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới?
Trang bị kiến thức và kỹ năng phòng tránh và ứng phó bạo lực:
- Tìm hiểu những hành vi nào là bạo lực bị pháp luật nghiêm cấm,
- Luật pháp về xử lý các hành vi bạo lực,
- Địa chỉ/số điện thoại/email của các cơ quan/tổ chức/cá nhân xử lý vấn đề bạo lực,
- Địa chỉ/số điện thoại/email của các cơ quan/tổ chức/cá nhân hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.
15. Tôi có thể làm gì nếu bị bạo hành?
- Không tự trách bản thân. Kẻ gây ra bạo lực là người có lỗi;
- Tìm người tin cậy để chia sẻ hoặc được tư vấn;
- Tìm một nơi an toàn lâu dài nếu bạn phải chung sống với kẻ bạo hành;
- Lập kế hoạch tự bảo vệ nếu bị người sống cùng/làm việc cùng bạo hành bạn;
- Luôn mang điện thoại theo người (nếu có). Ghi nhớ một vài số điện thoại quan trọng và địa chỉ của người có thể giúp đỡ;
- Cố gắng để có công việc và nguồn thu nhập ổn định để không bị phụ thuộc vào kẻ bạo hành hoặc người khác;
- Nếu bị cưỡng ép quan hệ tình dục, hiếp dâm thì phải:
- Lưu giữ các bằng chứng liên quan đến vụ việc (quần áo mặc khi bị cưỡng ép, hiếp dâm, bất kỳ vật dụng gì khác);
- Đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu đồng thời yêu cầu báo cho công an để phối hợp thu thập bằng chứng trong qúa trình điều trị.
16. Khi gặp khó khăn, có những trợ giúp nào cho người lao động nước ngoài?
- Khi các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam bị xâm phạm, cơ quan đại diện có nghĩa vụ thi hành mọi biện pháp để khôi phục những quyền và lợi ích chính đáng đó. Danh sách các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:
https://omw.mofa.gov.vn/vi-vn/Trang/default.aspx
- Trước khi đến các quốc gia mới, ngừơi lao động cần tìm hiểu trước tên các tổ chức có thể bảo vệ quyền cho người lao động tại nước đến cũng như cung cấp các dịch vụ về y tế, luật pháp, lao động/việc làm, tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác.
Danh bạ dịch vụ dành cho lao động nữ di cư bị bạo lực tại khu vực Đông Nam Á:
- Các tổ chức công Đoàn;
- Hỏi sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, đồng hương và các mạng lưới trên mạng xã hội.
- Một số tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội cung cấp sự giúp đỡ cho những người lao động nhập cư gặp nạn hoặc gặp khó khăn.
CHĂM SÓC SỨC KHOẺ, Y TẾ, AN TOÀN LAO ĐỘNG
17. Tôi có cần được huấn luyện về chăm sóc sức khỏe và an toàn lao động hay không?
- Đối với những người đi lao động theo hợp đồng: Người sử dụng lao động và người giám sát của bạn phải đảm bảo rằng bạn được nhận thông tin đầy đủ và đào tạo cũng như được trang bị thiết bị bạn cần có để bạn làm việc một cách an toàn và bảo vệ bạn khỏi tai nạn lao động hoặc bệnh tật. Bất cứ khi nào bạn bắt đầu một công việc mới hoặc được giao một nhiệm vụ mới, bạn phải có ý thức yêu cầu người sử dụng lao động và người giám sát cho bạn biết nếu có bất kỳ nguy cơ nào có thể tác động đến sức khỏe và an toàn lao động của bạn;
- Bạn luôn phải yêu cầu người sử dụng lao động và người giám sát cho bạn biết tình trạng của các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm đối với người lao động cũng như giải thích đầy đủ các điều khoản, lợi ích của người lao động trong hợp đồng bảo hiểm nêu trên;
- Bạn có thể từ chối công việc mà bạn cho rằng không an toàn cho bản thân hoặc có thể từ chối công việc nếu bạn thấy rằng mình có nguy cơ phải chịu bạo lực từ một người nào đó ở nơi làm việc. Bạn có quyền không phải làm công việc không an toàn cho bản thân cho đến khi người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng của quốc gia tiếp nhận đảm bảo công việc đó là an toàn.
18. Tôi có thể làm gì để chăm sóc sức khỏe tinh thần?
Sống và làm việc ở một quốc gia khác có thể mang tới nhiều khó khăn, nhất là về mặt tinh thần. Những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, công việc và sinh hoạt hàng ngày đều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của bạn. Vì vậy bạn có thể tham khảo những cách sau để chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân:
- Lập cho bản thân một chế độ ăn uống lành mạnh với những đồ ăn và thực phẩm mà bạn thích.
- Cố gắng sắp xếp thời gian cho các hoạt động thể dục, thể thao, vận động thân thể.
- Có thói quen sinh hoạt điều độ, đảm bảo ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày.
- Làm những điều bạn thích khi rảnh rỗi.
- Giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè của bạn, kết thêm bạn mới và tìm đến những người hoặc cộng đồng mà bạn có thể chia sẻ.
19. Tôi cần làm gì nếu có thai?
Mang thai trong quá trình di cư lao động ở một quốc gia điểm đến có thể gây ra cho bạn những lo lắng và căng thẳng.
Nếu bạn mang thai ngoài ý muốn thì thường có 3 lựa chọn:
- Giữ thai và nuôi dạy đứa trẻ.
- Giữ thai và sau khi sinh cho em bé làm con nuôi (cho người khác quyền hợp pháp và trách nhiệm nuôi dưỡng đứa trẻ).
- Chấm dứt thai kỳ (phá thai tại cơ sở y tế).
Nếu bạn muốn biết thông tin về việc cho nhận con nuôi hoặc chấm dứt thai kỳ thì bạn cần yêu cầu có tư vấn pháp lý và tư vấn y tế ở chính quốc gia mà bạn đang lao động. Điều này rất quan trọng vì ở một số nước, việc phá thai là bất hợp pháp.
Trường hợp bạn muốn giữ thai để nuôi dạy, bạn cần kiểm tra xem mình có bảo hiểm y tế cá nhân hay không và bảo hiểm đó có bao gồm việc chi trả chi phí sinh đẻ hay không. Một số công ty bảo hiểm không trả những chi phí này. Sinh con ở một số quốc gia tiếp nhận có thể rất tốn kém nếu bạn không có bảo hiểm thai sản hoặc bảo hiểm tư nhân chi trả chi phí mang thai.
*Quan trọng: phụ nữ lao động di cư nên mua bảo hiểm thai sản khi di cư lao động nước ngoài để đề phòng những lúc cần sử dụng.
TRỞ VỀ SAU KHI DI CƯ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
20. Có những thách thức gì sau khi tôi đi lao động trở về?
- Các thách thức, vấn đề mà lao động di cư nước ngoài dễ gặp phải sau khi trở về nước thường rơi vào các trường hợp sau:
- Tìm việc làm, sử dụng vốn và phát huy tay nghề
- Lao động di cư trở về chưa phát huy được tay nghề và ngoại ngữ để tìm việc phù hợp trong nước do khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ việc làm hoặc không muốn làm việc với mức lương và điều kiện làm việc kém hơn khi ở nước ngoài. Họ thường làm công việc khác với công việc khi làm ở nước ngoài, có một số người sử dụng tiền tiết kiệm được để tự kinh doanh nhỏ.
- Đối với lao động giản đơn, chưa hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng lao động: lao động di cư Việt Nam ra nước ngoài làm việc có khoảng 60% lao động phổ thông nên điều kiện để trau dồi thêm kiến thức, ngoại ngữ, kỹ năng nghề hạn chế, ngay cả chính bản thân phụ nữ lao động di cư trước khi đi cũng chưa quan tâm đến việc cần phải học hỏi nâng cao kỹ năng và trình độ để phát triển sinh kế khi trở về mà chủ yếu đi là vì mục tiêu có thu nhập trước mắt.
- Các mối quan hệ gia đình, xã hội, cộng đồng và văn hóa
- Định kiến giới và phân biệt đối xử về giới còn tồn tại ở nhiều cộng động ở Việt Nam, về cách nhìn nhận khác nhau giữa nữ giới và nam giới khi đi làm việc ở nước ngoài nên người phụ nữ sau khi trở về có thể bị gặp sự kỳ thị từ môi trường xung quanh.
- Sự khác biệt về văn hóa của người trở về đối với gia đình: có trường hợp có tác động tiêu cực cho việc tái hòa nhập do chưa có sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho cả người đi làm việc ở nước ngoài và người ở nhà đối với các vấn đề trong quan hệ gia đình như sự trống vắng, xa cách, gián đoạn trong nuôi dạy, chăm sóc con cái.
- Vấn đề về sức khỏe:
- Một số người lao động gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe do làm thêm giờ kéo dài ở nước ngoài để tăng thu nhập hoặc do điều kiện khí hậu khác biệt hoặc dịch bệnh. Đặt trong bối cảnh COVID-19, người lao động khó mà tiếp cận được với các dịch vụ y tế công tại nước sở tại (do rào cản ngôn ngữ, mức độ ưu tiên của chính quyền sở tại, thiếu thông tin…).
- Tìm việc làm, sử dụng vốn và phát huy tay nghề
- Các nguyên nhân dẫn đến khó khăn khi tái hoà nhập
- Lao động di cư không trang bị đầy đủ thông tin trước khi đi nên định hướng nghề nghiệp tương lai chưa rõ ràng, đối với một bộ phận lao động đi làm các công việc giản đơn chưa có ý thức học hỏi nâng cao trình độ, tay nghề; thiếu thông tin và kiến thức về cách phòng tránh dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe khi làm việc ở nước ngoài.
- Lao động di cư chưa có kế hoạch và thiếu kinh nghiệm quản lý và sử dụng vốn tích lũy được.
- Doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi lao động nước ngoàichưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người trở về và chưa cập nhật đầy đủ thông tin về họ.
- Nhà nước chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về người trở về.
- Các thách thức cho việc tái hòa nhập của lao động di cư trở về theo các hình thức khác nhau:
- Với mỗi hình thức trở về, lao động di cư sẽ có những lợi thế và những nhu cầu khác nhau và gặp những thách thức khác nhau khi muốn tái hòa nhập. Cần quan tâm đến những đặc điểm của người trở về theo các yếu tố như: về tự nguyện đúng hạn; về tự nguyện trước hạn; Về không tự nguyện trước hạn.
- Trở về tự nguyện khi hợp đồng kết thúc: Đây là các lao động mà mục tiêu đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nên sự hỗ trợ cần tập trung vào việc tái hòa nhập về việc làm và sử dụng hiệu quả tiền tích lũy được.
- Trở về tự nguyện trước khi hợp đồng kết thúc: Trong trường hợp này, người lao động di cư có thể gặp phải công việc với điều kiện làm việc không mong muốn hoặc không thể chấp nhận, hoặc những thay đổi động lực hay các lý do cá nhân khác dẫn đến quyết định hủy bỏ kế hoạch đi lao động ban đầu. Trở về trước khi kết thúc hợp đồng có thể dẫn đến khó khăn kinh tế hoặc nợ nần do chưa có đủ tiền tích lũy như mục đích ban đầu. Trong một số trường hợp, người đi lao động có tay nghề cao muốn chuyển đổi công việc sang thị trường lao động khác có thu nhập cao hơn.
- Trở về không tự nguyện khi hợp đồng kết thúc: Khi người lao động di cư nước ngoài theo đuổi kế hoạch tài chính của mình, họ thường tìm kiếm cơ hội kéo dài hợp đồng lao động để có thêm thu nhập và nếu không có chính sách cho số này đi làm việc ở nước ngoài lần thứ hai hoặc tiếp cận việc làm trong nước, dễ dẫn đến tình trạng họ có thể bỏ hợp đồng ra ngoài và ở lại làm việc trái phép và tự đẩy mình vào các rủi ro của việc làm không an toàn, thậm chí còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của lao động Việt Nam.
- Trở về không tự nguyện trước khi hợp đồng kết thúc: Trường hợp xảy ra khủng hoảng kinh tế và chính trị hay thiên tai mà lao động mất việc hoặc phải di tản khẩn cấp là điều không tránh khỏi. Bởi vì việc cần phải trở về thường không thể dự đoán trước khi khủng hoảng xảy ra, do đó chính phủ nước phái cử cần tính đến các hỗ trợ và chuẩn bị cho việc tổ chức trở về an toàn cho người lao động di cư. Hình thức trở về trước hạn này có thể để lại những trải nghiệm nặng nề cho người đi lao động và gây ra khó khăn về kinh tế cho họ khi trở về.
- Với mỗi hình thức trở về, lao động di cư sẽ có những lợi thế và những nhu cầu khác nhau và gặp những thách thức khác nhau khi muốn tái hòa nhập. Cần quan tâm đến những đặc điểm của người trở về theo các yếu tố như: về tự nguyện đúng hạn; về tự nguyện trước hạn; Về không tự nguyện trước hạn.