Những nỗ lực to lớn thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam qua đã mang lại nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, mục tiêu bình đẳng giới thực chất vẫn chưa đạt được, khoảng cách về quyền và cơ hội giữa hai giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là sự thiếu quan tâm đến nam giới như một nửa của xã hội. Các chính sách, chương trình về bình đẳng giới cho đến nay chủ yếu tập trung thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ mà ít chú ý đến nam giới và vai trò của họ. Trong khi đó, có nhiều bằng chứng cho thấy nam giới ngày càng gặp phải nhiều vấn đề trong công việc, sức khoẻ thể chất và tinh thần và trong mối quan hệ với phụ nữ và trẻ em. Và các vấn đề gặp phải đó cũng có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc xây dựng và thực hành các chuẩn mực giới tích cực, góp phần vào việc thúc đẩy bình đẳng giới. Thay đổi thực tiễn này đòi hỏi một cách tiếp cận mới nhằm vào cả phụ nữ và nam giới mà trọng tâm là các chính sách và chương trình xã hội nhằm hỗ trợ nam giới giải quyết những khó khăn đặc thù của họ và thay đổi các chuẩn mực và thực hành giới cản trở sự phát triển của cả nam giới và phụ nữ. Những chính sách và chương trình như vậy cần được xây dựng trên cơ sở các bằng chứng nghiên cứu khoa học về nam giới, về suy nghĩ, kỳ vọng và hành vi của họ cũng như những thách thức mà nam giới đang phải đối mặt.
Để góp phần vào việc xây dựng các chính sách và chương trình xã hội theo cách tiếp cận mới, trong hai năm 2018-2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), với sự tài trợ của Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Chính phủ Úc thông qua Chương trình Đầu tư cho Phụ nữ (Investing In Women) đã thực hiện nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về nam giới và nam tính ở Việt Nam với 2567 nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 64 tuổi tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hoà và Hoà Bình.
Sáng ngày 4/11/2020 tại Hà Nội, ISDS đã tổ chức buổi hội thảo công bố kết quả nghiên cứu nói trên. Khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật của Việt Nam, các cơ quan giảng dạy, nghiên cứu, những chuyên gia, các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm trong lĩnh vực giới và phát triển.
NHỮNG PHÁT HIỆN CHÍNH CỦA CUỘC NGHIÊN CỨU
Các chuẩn mực giới truyền thống vẫn tồn tại ở Việt Nam bất chấp quá trình toàn cầu hóa và đô thị hóa.
- Ở Việt Nam, nam tính vẫn gắn liền với đặc tính sinh học, khả năng lao động và tiềm năng kinh tế của nam giới và do đó nam giới được mong đợi đóng vai trò “trụ cột của gia đình” – người tạo thu nhập chính cho gia đình. Điều này gây ra áp lực lớn đối với nam giới và có thể dẫn đến những lo ngại về sức khỏe tâm thần.
- Trong khi đó, quan niệm của nam giới về các chuẩn mực nữ tính vẫntiếp tục xoay quanh nhận thức rằng vai trò chính của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và trở thành một người vợ tốt – “sẵn sàng hy sinh sự nghiệp của mình để chăm sóc gia đình” và hỗ trợ sự nghiệp của chồng.
- Các chuẩn mực giới truyền thống có nguồn gốc sâu xa từ quan điểm sinh học là bản chất cho rằng năng lực, thái độ và hành vi của phụ nữ và nam giới là do tự nhiên định sẵn và không thể thay đổi. Trong thực tế, các chuẩn mực nam tính và nữ tính bắt nguồn từ những quan niệm xã hội và có thể thay đổi được.
Các chuẩn mực giới truyền thống vẫn được tiếp nối qua nhiều thế hệ.
- Nam giới Việt Nam ngay từ khi còn nhỏ đã tiếp xúc với các chuẩn mực nam tính truyền thống và các thực hành bất bình đẳng giới. Những điều này được củng cố bởi các chuẩn mực ăn sâu trong một số khía cạnh cuộc sống hàng ngày của họ và trong các cấu trúc xã hội. Ví dụ, nam giới vẫn thường là chủ sở hữu duy nhất của các tài sản có giá trị, là người quyết định những công việc quan trọng trong gia đình.
- Các chuẩn mực giới truyền thống mà nam giới đang duy trì đã chi phối thái độ và kỳ vọng của họ đối với con trai và con gái. Ví dụ, đối với con trai, nam giới ưu tiên giáo dục và công việc mang lại thu nhập cao. Đối với con gái, họ cho rằng ưu tiên hàng đầu là gia đình và những công việc mang lại ít áp lực hơn và cho phép có nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Toàn cầu hóa và đô thị hóa mang lại nhiều cơ hội thay đổi các chuẩn mực giới.
- Sự quan tâm của nam giới đối với các xu hướng xã hội, bao gồm công nghệ, sở thích hiện đại và sức khỏe, và sự tham gia tích cực của họ vào đời sống xã hội, bao gồm cả mạng xã hội, để tích luỹ vốn xã hội của họ, tạo cơ hội cho các chiến dịch truyền thông sáng tạo khuyến khích thái độ và thực hành tích cực về giới.
Thay đổi những chuẩn mực cứng nhắc về nam tính và mang tính định kiến giới là điều cần thiết để đạt được bình đẳng giới và quyền năng cho phụ nữ.
- Có những dấu hiệu cho thấy nam thanh niên, đặc biệt là nam thanh niên ở đô thị đang ngày càng ủng hộ bình đẳng giới. Nhiều người trong số họ sẵn sàng chia sẻ với vợ quyền sở hữu tài sản, các trách nhiệm trong gia đình và gánh nặng việc nhà.
- Thay đổi những chuẩn mực về giới và về nam tính trong nam giới Việt Nam là điều cần thiết để có thể đạt được những tiến bộ toàn diện và bền vững hơn trong việc nâng cao quyền năng của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Hội thảo được phát trực tuyến trên FanPage của ISDS. Xem lại tại đây.