Nhằm nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và các bên liên quan trong phối hợp liên ngành, ngày 06 – 07/6 vừa qua, Sở Y tế Khánh Hoà phối hợp với Dự án SPR-COVID tổ chức lớp tập huấn về “Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác về dịch bệnh tại tuyến xã cho các cán bộ quản lý ban ngành, cán bộ các hội đoàn thể”.
Tham gia lớp tập huấn có hơn 50 đại biểu đại diện Sở Y tế Khánh Hoà, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện và Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm; đại diện UBND, cán bộ truyền thông, công an, dân quân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Ban giám hiệu trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế 03 xã là Cam An Nam, Suối Tân và thị trấn Cam Đức.
Qua ngày tập huấn đầu tiên, với sự hướng dẫn của giảng viên tuyến tỉnh thuộc Dự án SPR-COVID, các đại biểu đã lắng nghe và thảo luận, chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm thực tế tại địa phương về các nội dung như vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch phòng chống dịch (XDKHPCD) nguyên tắc và các bước XDKHPCD, khung lý thuyết về thiết kế và triển khai KHPCD. Các đại biểu cũng hiểu rõ hơn phương pháp xác định mục tiêu của KHPCD, nguồn lực, các nhiệm vụ, giải pháp, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia nhằm giảm tối đa hậu quả dịch bệnh đối với sức khỏe, tính mạng của người dân trên địa bàn một khi có tình huống khẩn cấp về dịch bệnh xảy ra. Sau ngày học đầu tiên, các đại biểu đã xây dựng được 3 kế hoạch phòng chống dịch dựa trên 3 cấp độ dịch khác nhau, từ lúc chưa có ca bệnh tại địa phương đến khi có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Bà Trần Lê Nguyên Thảo đang chia sẻ về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp thực tiễn tại địa phương.
Bà Trần Lê Nguyên Thảo, trạm y tế Cam An Nam cho biết: “Lâu nay chúng tôi thường thực hiện và làm kế hoạch theo thói quen, nhưng qua lớp tập huấn này bản thân tôi đã nắm rõ hơn về kiến thức và kỹ năng phối hợp liên ngành, qua đó có thể thực hiện công việc này được tốt hơn. Ngoài ra, lớp tập huấn được thực hiện theo phương pháp thảo luận, đóng vai với nội dung được chuẩn bị đầy đủ, rõ ràng, chu đáo đã giúp chúng tôi dễ hiểu về kiến thức và dễ áp dụng tại địa phương”.
Ở ngày tập huấn thứ 2, các đại biểu đã xây dựng 3 kịch bản chi tiết và tiến hành đóng vai diễn tập họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã về những vấn đề cấp thiết hiện nay tại các xã như phòng chống tay chân miệng, cúm và sốt xuất huyết. Các đại biểu đã có sự phân công rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của từng thành phần tham gia diễn tập, bao gồm Trưởng ban chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực và các Phó Trưởng ban, các thành viên Ban chỉ đạo xã như cán bộ trạm y tế, công chức Văn phòng – Thống kê, Chỉ huy trưởng Quân sự, Trưởng Công an, công chức Văn hóa – Xã hội, công chức Tài chính – Kế toán xã, công chức LĐ-TBXH xã… Mỗi đại biểu, theo vai trò của mình, đã có những chuẩn bị về nội dung và báo cáo cụ thể về tình hình và các biện pháp ứng phó, phối hợp theo vai đã được phân công.
Ông Nguyễn Thanh Hải đang tham gia diễn tập 1 cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã với vai Chủ tịch xã, trưởng Ban chỉ đạo.
Chia sẻ về lớp tập huấn, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, cho biết: “Qua lớp tập huấn này tôi đã biết được cách xây dựng chi tiết nội dung và bố cục của một bản kế hoạch, qua đó chúng tôi có thể bám sát theo kiến thức bài bản của lớp này để áp dụng triển khai theo tình hình thực tế tại địa phương. Ngoài ra tôi cũng rất ấn tượng với tinh thần tham gia góp ý, chia sẻ kinh nghiệm mang đầy tính xây dựng của các đại biểu, đặc biệt phần đóng vai diễn tập”.
Bên cạnh lớp giảng mẫu đã diễn ra vào tháng 3/2023, đây là lớp tập huấn đầu tiên trong 2 lớp tập huấn về chủ đề này tại Khánh Hoà với dự kiến khoảng 150 cán bộ được nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành phòng chống dịch COVID-19 nói riêng và các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh nói chung.
Dự án Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID) do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện và được Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới tài trợ. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực của chính quyền địa phương, trạm y tế xã, cộng đồng và nhóm dân cư dễ bị tổn thương tại 27 xã thuộc 9 huyện ở 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Long An trong phòng chống, ứng phó với COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp về y tế khác.
Cuộc tập huấn này cũng được báo Khánh Hoà đưa tin.