Ngày 1 – 2/8 vừa qua, tại Tp Tân An, tỉnh Long An, 30 cán bộ đại diện Ủy ban Nhân dân, Trung tâm Y tế và Trạm Y tế của 9 xã/phường tại Tx Kiến tường, huyện Bến Lức và huyện Đức Hoà đã trải qua hai ngày thảo luận, chia sẻ, tăng cường kiến thức về phương pháp quản trị mạng lưới Zalo xã, phát triển nội dung và kỹ năng viết tin bài truyền thông trên các kênh thông tin của địa phương.
Thời gian qua, 3 huyện thị nêu trên đã thành lập và đưa vào hoạt động chính thức 9 mạng lưới Zalo, bước đầu nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Nhiều nhóm Zalo ấp đã thu hút được sự tham gia của hơn 500 – 600 đại diện hộ, chiếm 70 – 80% số hộ trên địa bàn. Hầu hết các mạng lưới Zalo này đều nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND xã/phường, sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ cán bộ trạm y tế cũng như công chức văn hoá – xã hội xã/phường trong việc soạn thảo nội dung truyền thông, hỗ trợ vận hành các nhóm Zalo thôn/tổ/ấp, thống kê, báo cáo tình hình hoạt động của các nhóm Zalo cũng như hoạt động truyền thanh trên loa đài và truyền tin trên Kênh Zalo OA của xã…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, 9 xã/phường cũng gặp một số tồn tại trong quá trình vận hành các mạng lưới Zalo cũng như cách thức thực hiện và phân bổ nội dung để thu hút hơn nữa sự quan tâm của người dân. Với sự hỗ trợ của chuyên gia từ dự án SPR-COVID, các cán bộ đã dành 2 ngày để cùng hệ thống lại cơ cấu tổ chức của mạng lưới Zalo xã; xác định nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên trong nhóm quản trị mạng lưới; đưa ra phương châm vận hành; xây dựng quy trình cụ thể của việc chuẩn bị và đăng tải thông tin lên các nhóm Zalo thôn/tổ/ấp cũng như phát thanh trên hệ thống loa đài và đưa tin trên kênh Zalo OA, Fanpage xã; quy định chặt chẽ về thời gian và tần suất đăng tin để phù hợp với nhu cầu nhận thông tin của người dân địa phương.
Việc quản trị nhóm Zalo thôn/tổ/ấp cũng được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phương pháp mời người dân tham gia nhóm Zalo, kỹ năng quản lý và vận hành để người dân cảm thấy thuận tiện với việc nhận thông tin từ xã/phường thông qua những nhóm Zalo này.
“Sau buổi trao đổi hôm nay, xã chúng tôi sẽ áp dụng phương châm lấy người dân làm trọng tâm để quản lí, vận hành mạng lưới Zalo, qua đó giúp người dân luôn cảm thấy có ích và thuận tiện khi tham gia các nhóm Zalo của ấp”, một đại biểu chia sẻ.
Sang ngày thứ 2, các đại diện dành đa số thời gian để xây dựng chiến lược thực hiện nội dung truyền thông cho tầm nhìn cả 1 năm, đồng thời chia nội dung theo những nguồn thông tin như: thông báo của UBND xã/phường và của các ban ngành, đoàn thể, trường học… trên địa bàn; thông tin y tế, sức khoẻ; thông tin văn hoá – xã hội; các ngày lễ hoặc sự kiện chính trong năm; các sự kiện đặc biệt của xã… nhằm tạo sự phong phú của thông tin cũng như đáp ứng được việc truyền thông về nhiều mặt của xã.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng được trang bị thêm một số kỹ năng về thực hiện tin bài phù hợp với đặc thù của mỗi kênh truyền thông như trang thông tin địa phương, Fanpage, Zalo OA, nhóm Zalo… qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động cung cấp thông tin của xã đến với người dân.
“Chúng tôi rất mong có thêm nhiều cuộc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm như thế này để nhiều người hơn nữa được học hỏi, tham khảo, nâng cao năng lực và làm tốt hơn công tác truyền thông tại địa phương”, một đại biểu chia sẻ sau 2 ngày tham gia thảo luận.
Cuộc thảo luận này là một trong những hoạt động của Dự án Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID) do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện và được Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới tài trợ. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực của chính quyền địa phương, trạm y tế xã, cộng đồng và nhóm dân cư dễ bị tổn thương tại 27 xã thuộc 9 huyện ở 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Long An trong phòng chống, ứng phó với COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp về y tế khác.