Ngày 18/9 vừa qua, Ts Khuất Thu Hồng đã có những chia sẻ với chương trình Rubik Cuộc sống (truyền hình Quốc phòng Việt Nam) xung quanh chủ đề sao kê từ thiện hiện đang là mối quan tâm của rất nhiều người.
Phần chia sẻ này được đăng tải trên website của truyền hình Quốc phòng Việt Nam tại đây: http://qpvn.vn/tin-video/rubik-cuoc-song-ngay-18-9-2024.html (từ phút 10:30 – 21:55).
Để tiện các bạn theo dõi, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đã gỡ băng nội dung cuộc chia sẻ như dưới đây:
Thưa quý khán giả. Những ngày vừa qua, câu chuyện sao kê tài khoản tiền ủng hộ từ thiện của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Bên cạnh mục đích tạo ra sự minh bạch, đồng thời cũng vinh danh các nhà hảo tâm và lan toả những hành động tốt đẹp đến với xã hội, nhất là trong bối cảnh đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tổ chức hoạt động thiện nguyện chuyên nghiệp thì công khai nguồn thu thôi là chưa đủ, cần công khai, minh bạch cả nguồn chi vì điều này là cơ sở niềm tin cho người dân và các mạnh thường quân tin tưởng phối hợp thực hiện công tác thiện nguyện, hạn chế các hành vi tự phát.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, xin mời quý vị cùng lắng nghe những chia sẻ của vị khách mời trong chương trình ngày hôm nay.
Phóng viên (PV): Rất cảm ơn Ts Khuất Thu Hồng ngày hôm nay đã đến với Rubik Cuộc sống. Theo bà thì những ngày qua, câu chuyện sao kê những tài khoản từ thiện gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người bởi vì cũng lần đầu tiên mà các khoản từ thiện đến với quỹ này đã được liệt kê rất rõ ràng, từ số tài khoản, tên người, số tiền. Vậy cá nhân bà đánh giá như thế nào về việc này?
Ts Khuất Thu Hồng: Tôi cũng theo dõi sự kiện này và cá nhân tôi thì thấy rằng là việc công bố những thông tin liên quan đến việc các người dân cũng như các cơ quan tổ chức đóng góp như thế nào là rất cần thiết. Một mặt nó để cho mọi người biết chúng ta thu được bao nhiêu, đã đáp ứng được nhu cầu của bà con ở những vùng bị ảnh hưởng hay chưa. Mặt khác thì đó cũng là cách để khuyến khích sự đóng góp tiếp tục nếu chúng ta chưa đủ. Nhưng về những khía cạnh khác, khía cạnh về mặt pháp lý hay việc bảo vệ cái sự riêng tư thì điều đó cũng phải cân nhắc. Tất nhiên, trong bối cảnh những năm vừa qua thì chúng ta cũng có những quan ngại về việc không hiểu là các khoản thu thì như thế nào. Nó không chỉ riêng MTTQ mà có nhiều những tổ chức, cơ quan, nhóm thiện nguyện khác cũng có những khoản thu rất lơn nhưng mọi người cảm thấy có gì đó không rõ ràng. Thế thì việc UBTƯ MTTQ công bố danh sách sao kê của những đơn vị, cá nhân đóng góp cho bà con ở những vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua, tôi nghĩ là cũng là một động thái mà phù hợp vào lúc này.
PV: Sự minh bạch đó cũng gây ra những chuyện bi hài trong thời gian qua đúng không ạ? Và cộng đồng mạng thì nhiều người cũng nhanh chóng “check var” và phát hiện ra rằng rất nhiều cá nhân đã phông bạt, số tiền ủng hộ ít thôi thế nhưng khi đăng tải lên mạng xã hội thì con số đó được khống lên rất nhiều lần. Vậy bà nghĩ như thế nào về một bộ phận người dân, vì sao họ lại sử dụng cách đó ạ?
Ts Khuất Thu Hồng: Việt Nam cũng mình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ trong những câu chuyện bi hài như vậy. Ở nước Mỹ, chẳng hạn như là vụ bão Katrina ở bang Louisiana thì cũng xảy ra những chuyện là biển thủ số tiền rất lớn đóng góp để ủng hộ bà con ở vùng đó. Thế rồi ở một số nơi khác cũng có những câu chuyện như vậy. Quay trở lại những câu chuyện ồn ào, lùm xùm mấy hôm nay về chuyện một số người nổi tiếng đóng góp thì ít nhưng lại tuyên bố với một con số rất lớn. Cái đấy là một điều đáng tiếc. Tôi nghĩ rất là đáng tiếc. Bây giờ với công nghệ của ngày hôm nay thì chúng ta rất dễ phát hiện ra những cái chênh lệch giữa con số đóng góp thực với lời tuyên bố, phải không ạ. Tôi nghĩ đó là những bài học rất lớn cho những người đó. Có thể họ là ca sĩ , họ là nghệ sĩ, họ là người nổi tiếng… thì họ cũng mong muốn là mình được biết đến nhiều hơn, tấm lòng của mình được biết đến nhiều hơn, cái danh tiếng của mình trở nên phổ biến hơn. Mà cái cách làm như vậy tôi nghĩ chắc giờ đây họ đã hối tiếc rất nhiều. Nhưng tôi cũng mong muốn rằng là mọi người cũng thể tất một lần này. Tôi nghĩ sau lần này thì những câu chuyện như thế không xảy ra nữa.
PV: Việc ủng hộ từ vài chục nghìn đồng, vài trăm nghìn đồng, hay thậm chí hàng tỷ đồng thì cũng đều thể hiện cái tấm lòng thiện nguyện của mỗi người, đúng không ạ, hướng về bà con đồng bào mưa lũ. Bên cạnh chuyện sao kê phần thu ra, cũng nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ chúng ta cũng cần sao kê cụ thể phần chi, chi cho ai, chi cho đối tượng nào, mục đích gì. Với Ts Khuất Thu Hồng, bà nghĩ sao về vấn đề này?
Ts Khuất Thu Hồng: Rất nhiều người hoan nghênh việc MTTQ công khai những số tiền đóng góp của mọi người, nhưng cũng rất nhiều người đặt vấn đề rằng là như thế mới là bước đầu thôi, bước 1 thôi. Còn bước hai phải là công khai, hay là giải trình là với khoản thu như thế thì chúng ta đã chi như thế nào, chi bao nhiêu, chi cho những ai, vào những khoản gì, nó có hợp lí hay không. Mọi người chờ đợi cái đó. Bản thân tôi thì nghĩ rằng là MTTQ cũng như những tổ chức, cơ quan đoàn thể làm công tác thiện nguyện này đang tiến đến chúng ta có một quy trình rất rõ ràng, rất minh bạch để giúp cho người dân, xã hội chúng ta được củng cố niềm tin và thật sự sẽ càng đóng góp nhiều hơn nữa. MTTQ thì thật ra là nguồn nhân lực không phải là có đủ quá nhiều để làm công việc thống kê, giải trình, điều phối, báo cáo… rất là khó khăn, rất là mệt mỏi, rất là nặng nhọc. Cho nên cái việc chúng ta phải chuẩn bị để làm việc đó như thế nào, xây dựng một hệ thống báo cáo về thu chi, về giải trình như thế nào là việc chúng ta phải làm một cách quy củ và bài bản. Tôi nghĩ là tất cả mọi người bây giờ đang chờ đợi những khoản tiền đó nó đã được sử dụng như thế nào, có hợp lí hay không. Câu chuyện ngay trong bão lũ để mà có lương thực thực phẩm, có áo phao, có phương tiện để cứu hộ là một chuyện, nhưng sau khi bão lũ kết thúc, sau khi thảm hoạ chấm dứt rồi, dừng lại rồi tiếp tục sinh kế cho người dân như thế nào, tiếp tục ổn định cuộc sống như thế nào, tiếp tục đi lên như thế nào thì là một quảng đường rất dài.
PV: Việc thiện nguyện mà đưa tận tay cho đúng người, đúng đối tượng thì có lẽ chưa bao giờ là việc làm dễ dàng, đúng không ạ. Câu chuyện này cũng giống như việc chúng ta nên trao cần câu hay nên trao con cá cho bà con ở những vùng khó khăn như thế. Vậy theo Ts Khuất Thu Hồng, để mà có thể làm từ thiện một cách chuyên nghiệp, đầy đủ, minh bạch và rõ ràng thì chúng ta cần phải làm những việc gì nữa đây ạ?
Ts Khuất Thu Hồng: Chứng kiến tất cả những câu chuyện thảm hoạ ở Việt Nam từ năm này sang năm khác, cái cách chúng ta làm hoạt động thiện nguyện thì tôi thấy có nhiều điều chúng ta cần phải điều chỉnh lại, sắp xếp lại để chúng khoa học hơn. Khi mà nghe tin hay chứng kiến đồng bào mình rơi vào thảm hoạ thì ai cũng đau lòng, ai cũng sốt ruột, ai cũng muốn mình phải làm một cái gì đó, đóng góp một cái gì đó, nhưng mà làm như thế nào để cái đóng góp của chúng ta nó có hiệu quả. Lúc nào để cho con cá, lúc nào để cho cần câu thì là phải có một kế hoạch. Kế hoạch đó cần phải được điều phối. Phải có một kế hoạch tổng thể, mà đã có kế hoạch tổng thể thì phải có cơ quan, tổ chức nào đó đứng ra điều phối để tránh những khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu. Qua theo dõi mạng xã hội cũng như truyền thông trong thời gian vừa qua, bão Yagi thì tôi thấy rằng là câu chuyện khủng hoảng thừa, khủng hoảng thiếu nó đang diễn ra. Có những nơi thấy rằng là những đồ cứu trợ, những thực phẩm lương thực cứu trợ chồng chất, cán bộ địa phương không đủ khả năng để phân phối đến bà con. Cũng như là những người đi cứu chợ, nếu không phải là những lực lượng chức năng mà đã được đào tạo, tập huấn những kỹ năng cần thiết thì có khi mình lại tạo gánh nặng cho địa phương. Mình là người cứu trợ nhưng mình có thể trở thành nạn nhân buộc những lực lượng cứu trợ lại phải cứu trợ chính mình. Thế thì điều phối như thế nào tôi nghĩ rất là quan trọng. Chúng ta cũng có rất nhiều những văn bản, chính sách về việc quản lí, điều phối những hộ trợ cho những vùng thảm hoạ như thế nào, nhưng chúng ta vẫn cần một nhạc trưởng. Người nhạc trưởng đó sẽ giúp điều phối tất cả, từ những cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng đã được rèn luyện, đã có kỹ năng, đã biết nhiệm vụ của mình cho đến những nhóm, những cá nhân bất ngờ xuất hiện trong những tình huống cụ thể nào đó khi họ thấy bà con gặp khó khăn thì người ta tự tổ chức với nhau người ta đi, những nhóm đấy cũng cần phải được điều phối để làm sao nó không dẫn đến câu chuyện khủng hoảng thừa hay khủng hoảng thiếu.
PV: Phải chăng ngoài việc điều phối ra chúng ta cũng nên tính đến những cái app thiện nguyện, là những cái app có thể điều phối được cái công việc thiện nguyện một cách hiệu quả?
Ts Khuất Thu Hồng: Vâng, áp dụng công nghệ thì tôi nghĩ rất quan trọng. Công nghệ giảm cho chúng ta nguồn nhân lực, tiết kiệm nguồn nhân lực, thông tin sẽ được cập nhật tức thời. Nhưng app không thể giải quyết thay chúng ta tất cả mọi vấn đề. App thì có thể biết là nếu chúng ta áp dụng được tốt, có một app rất tốt thì có thể biết được là ở chỗ này có đủ lương thực, thực phẩm chưa, chỗ kia có đủ lương thực thực phẩm chưa, nhưng chúng ta vẫn phải đề phòng những tình huống như bão Yagi vừa rồi, kể cả những trạm phát internet hay điện mất thì làm sao chúng ta có thể dùng app được. Đây là vấn đề con người thôi. Song song với việc chúng ta phát triển công nghệ thì bộ khung cứng, nguồn nhân lực của hệ thống đấy cần phải được xây dựng và luôn luôn được cập nhật những kỹ năng, những thông tin mới, được đào tạo lại. Nếu chúng ta có thông tin cập nhật và sự điều phối tốt thì thể tránh được tình trạng là có rất nhiều đoàn cứu trợ ùn ùn đến một địa phương, còn những địa phương khác thì không có ai, hoặc là rất ít chẳng hạn. Nếu mà chúng ta có điều phối, nếu chúng ta có được công nghệ hỗ trợ, với cái chỉ huy của con người.
PV: Cảm ơn Ts Khuất Thu Hồng về những chia sẻ vừa rồi.
Quả thật là những chia sẻ của Ts Khuất Thu Hồng đã mang đến cho khán giả góc nhìn mới sâu hơn xung quanh chủ đề sao kê từ thiện hiện đang là mối quan tâm của rất nhiều người.
Nguồn: Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (http://qpvn.vn/tin-video/rubik-cuoc-song-ngay-18-9-2024.html)