Ngày 25/02/2024, tại TP Nha Trang, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) tổ chức buổi tọa đàm “Hỗ trợ pháp lý, giảm kỳ thị phân biệt đối xử”.
Tham dự buổi tọa đàm có TS. Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý- Bộ Tư Pháp; TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội- Giám đốc dự án; BS.CKII Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa; ông Lê Văn Hiệp, Phó Khoa Kiểm soát bệnh tật- Trung tâm Y tế TP Nha Trang cùng 150 người có HIV và các thành viên nhóm Câu lạc bộ Bồ Công Anh (Nha Trang) và nhóm O2 Ninh Hòa.
Toạ đàm thu hút được sự quan tâm của hơn 160 đại biểu với hàng chục câu chuyện, chia sẻ cũng như thắc mắc của những người tham gia.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Trúc, trưởng nhóm Bồ Công Anh, tổ chức buổi tọa đàm này là sáng kiến của cả nhóm nhằm giúp hỗ trợ kiến thức về pháp lý cho các thành viên nòng cốt trong cộng đồng người có HIV trẻ tuổi và những người dễ bị tổn thương bởi HIV tại Nha Trang. Hoạt động này thuộc tiểu hợp phần 3 của Dự án “Thành lập và hỗ trợ mạng lưới các nhóm dễ bị tổn thương thực hiện các sáng kiến tại cộng đồng”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu có cơ hội lắng nghe những câu chuyện của các bạn trẻ có HIV tại TP Nha Trang; chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về việc khám, điều trị cho người có HIV tại tỉnh Khánh Hòa; các chuyên gia sẽ hướng dẫn cho các bạn trẻ trong việc tìm hiểu những quy định liên quan đến việc khám điều trị cho người có HIV; các chính sách quy định về khám chữa bệnh cho người có HIV tại địa phương.
Các bạn trẻ có HIV tại TP Nha Trang đã có nhiều chia sẻ những nội dung như cố tình làm lây nhiễm HIV cho người khác có vi phạm luật pháp; trong trường hợp cả hai người đều nhiễm HIV làm thế nào để xác định ai là người nhiễm trước, ai lây bệnh cho ai; những dạng kỳ thị phân biệt đối xử xảy ra tại cơ sở y tế khi cung cấp dịch vụ đối với người nhiễm HIV; các dạng kỳ thị phân biệt đối xử xảy ra tại nơi làm việc; việc công ty, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm HIV nhưng không hỏi ý kiến của người lao động; doanh nghiệp lấy lý do cắt giảm nhân sự để ép những người HIV nghỉ việc; khi nhiễm HIV có được xin việc làm vào các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…
Các đại biểu cũng thảo luận, giải đáp thắc mắc các dạng kỳ thị phân biệt đối xử đối với người có HIV tại trường học, tại cộng đồng. Cụ thể như hành vi từ chối tiếp nhận học sinh vì lý do nhiễm HIV; người nhiễm HIV có được nộp đơn xin học bổng ở trường; việc bàn tán, tỏ thái độ kỳ thị đối với tình trạng HIV của một người có vi phạm pháp luật…
Các đại biểu trong phần giải đáp thắc mắc của người tham gia toạ đàm.
Trao đổi trong buổi tọa đàm, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã nhấn mạnh cần thay đổi nhận thức, hành vi để không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người có HIV; vấn đề không phải là tìm bằng chứng để đưa ra pháp luật, kỷ luật hay thực hiện các hình phạt mà là tăng việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người có HIV, qua đó giúp không làm tổn thương, làm người nhiễm HIV đau đớn hơn, cảm thấy không xứng đáng để có cuộc sống bình thường, thậm chí tự trừng phạt bản thân. TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh kỳ thị và phân biệt đối xử người có HIV được ví như đại dịch HIV thứ hai; do đó tất cả các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, hội, nhóm, nhân viên y tế cần thực hiện tốt những quy trình, quy định, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử để không có thái độ, hành vi không làm tổn thương người nhiễm HIV./.
Nguồn bài viết: Lâm Quyên
(https://syt.khanhhoa.gov.vn/?ArticleId=095451ca-e656-4a24-b9e2-711450f98bcc)