Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2024 – Đại dịch COVID-19 không chỉ thách thức hệ thống y tế toàn cầu mà còn bộc lộ những khoảng trống trong công tác chuẩn bị và ứng phó tại cấp cơ sở. Việt Nam cũng rút ra một bài học lớn rằng việc tăng cường năng lực của các xã/phường, là yếu tố cốt lõi giúp chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó hiệu quả với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Nhằm góp phần vào nỗ lực chung để thu hẹp những khoản trống này, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) với sự tài trợ từ Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản thông qua Ngân hàng Thế giới đã thiết kế và triển khai Dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam” (SPR-COVID từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2024 tại 27 xã thuộc 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Long An và Khánh Hòa.
Hôm nay, 18/12/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết dự án SPR-COVID. Gần 150 đại biểu đã về dự, trong đó có lãnh đạo địa phương, cán bộ y tế của 27 xã Dự án, Ban quản lý Dự án, lãnh đạo Sở Y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Khánh Hoà và Long An, đại diện các cơ quan của Bộ Y tế, Ngân hàng Thế giới, và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS, Giám đốc Dự án nhấn mạnh: “Thành công của dự án là kết quả của sự tin tưởng và hợp tác hiệu quả giữa nhà tài trợ, đơn vị thực hiện Dự án, lãnh đạo chính quyền và cán bộ y tế tại các địa phương cũng như các bên liên quan khác. Các mô hình mà dự án xây dựng không chỉ góp phần ứng phó với COVID-19 mà còn tạo tiền đề để chúng ta sẵn sàng hơn với những thách thức y tế khác trong tương lai.”
Báo cáo tổng kết Dự án cho biết, sau 3 năm thực hiện, Dự án đã đạt được tất cả mục tiêu quan trọng bao gồm: 1) Nâng cao năng lực phối hợp liên ngành tại cấp cơ sở nhằm chuẩn bị và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp; 2) Tăng cường năng lực cho cán bộ y tế xã/phường về phòng ngừa lây nhiễm tại trạm y tế, duy trì các dịch vụ y tế cơ bản trong bối cảnh đại dịch và hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến các ca nhiễm bệnh; 3) Tăng cường năng lực truyền thông bao gồm cả truyền thông nguy cơ cho lực lượng tuyến đầu và thực hiện các sáng kiến truyền thông để nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng dịch cho người dân cộng đồng; và 4) Giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với các nhóm dễ bị tổn thương.
Sử dụng tình huống đại dịch COVID-19 như một ví dụ để thực hành, Dự án đã thiết kế và thực hiện thành công các mô hình nhằm đạt được các mục tiêu trên. Sau chương trình tập huấn bài bản, tất cả 27 xã Dự án đã xây dựng được bản kế hoạch phối hợp liên ngành để chuẩn bị ứng phó với các tình huống dịch bệnh khác nhau và thực hành diễn tập họp ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của xã, phường trong tình huống dịch bùng phát. 1011 cán bộ của 27 trạm y tế và 1412 nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên y tế tại các huyện Dự án đã được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cơ bản để ứng phó với đại dịch. Nhiều sáng kiến truyền thông cộng đồng đặc sắc đã thu hút người dân tham gia tìm hiểu kiến thức và các kỹ năng phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.
Kết quả đánh giá độc lập cuối kỳ cho thấy:
-
- Tỷ lệ cán bộ y tế trong các xã/phường dự án có kiến thức tốt về COVID-19 và khả năng ứng phó với đại dịch, tăng lên gấp 7 lần, từ 28% đầu kỳ lên đến 75.6% vào cuối dự án.
- Tỷ lệ người dân có kiến thức tốt về COVID 19 và cách phòng ngừa và ứng phó với đại dịch tăng lên gấp 6 lần, từ 37% đầu kỳ lên đến 95.7% vào cuối dự án.
- Gần 6000 người thuộc các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người bị ảnh hưởng bởi HIV, các nhóm dân tộc thiểu số và công nhân nhập cư đã tham gia vào các hoạt động của dự án qua đó họ được kết nối với chính quyền và cán bộ y tế địa phương và được nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Giám đốc Kỹ thuật của Dự án, khẳng định “Chúng tôi rất tâm đắc với những hoạt động của Dự án. Những mô hình này đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả, hoàn toàn có thể nhân rộng ra các địa phương khác. Nếu tuyến cơ sở trên cả nước tham khảo và áp dụng các mô hình thành công của Dự án thì chúng ta thêm tự tin để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp xảy ra trong tương lai.”
Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao thành công của Dự án và vai trò quan trọng của các nhà tài trợ, cơ quan thực hiện Dự án ISDS và các chuyên gia đã tham gia hỗ trợ Dự án. Đại diện từ các cơ quan tuyến Trung ương, địa phương, và các nhóm dễ bị tổn thương đã chia sẻ cảm tưởng về Dự án và những kinh nghiệm quý báu về các hoạt động nâng cao năng lực và triển khai các sáng kiến truyền thông cộng đồng được tổ chức trong khuôn khổ Dự án.
Ông Đặng Thiện Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Ninh An, TX. Ninh Hòa, Khánh Hòa chia sẻ: “Qua tập huấn của dự án thì mình lại khơi lại ý thức trong mỗi cán bộ Đảng viên, và trách nhiệm của từng người. Phối hợp liên ngành không chỉ ứng dụng trong dịch COVID-19 mà sẽ ứng dụng trong một số dịch bệnh khác nữa”
Bác sĩ Chuyên khoa II Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa phát biểu“Nếu sau này có những tình huống tương tự COVID-19 xảy ra thì chúng ta sẽ áp dụng những bài học từ dự án này để có những cách làm hiệu quả mà rút ngắn được thời gian, tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực và công sức của anh em ở cơ sở.”
Đại diện cho nhà tài trợ, TS. Đào Lan Hương, Chủ nhiệm dự án, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng về những kết quả của Dự án và tự hào khi được đồng hành cùng ISDS cũng như chính quyền và ngành y tế của 27 xã Dự án trong quá trình thực hiện Dự án này. Chúng tôi hy vọng các mô hình của Dự án đã thực hiện thành công sẽ được các địa phương duy trì và nhân rộng. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tham khảo và phổ biến các tài liệu và các sản phẩm khác của Dự án để góp phần tăng cường năng lực chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai.”
Hội thảo kết thúc trong một không khí thân tình, ấm áp. Các đại biểu đến từ các xã Dự án và các cán bộ Dự án chia tay với nhiều cảm xúc và sự lưu luyến. Các bên đều bày tỏ mong muốn có cơ hội được hợp tác với nhau trong các dự án mới.
Thông tin về sự kiện được đăng tải trên:
Vietnamnet: Hơn 1.400 nhân viên y tế thôn bản được nâng cao kiến thức ứng phó đại dịch