Hơn 150 đại biểu đại diện nhà tài trợ, các đối tác địa phương, nhóm chuyên gia và cán bộ dự án đã tham dự hội thảo đánh giá giữa kỳ của dự án Tăng cường Năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID) vào ngày 14 – 15/9/2023 tại thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo thu hút sự có mặt của hầu hết những người tham gia vào các hoạt động của Dự án.
Dự án SPR-COVID do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện và được Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới tài trợ. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực của chính quyền địa phương, trạm y tế xã, cộng đồng và nhóm dân cư dễ bị tổn thương tại 27 xã thuộc 9 huyện ở 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Long An trong phòng chống, ứng phó với COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp về y tế khác.
Mục tiêu của hội thảo này nhằm rà soát tiến độ và kết quả/chất lượng của các hoạt động của Dự án, nắm bắt được những khó khăn và rào cản của các hoạt động khác nhau, chia sẻ các giải pháp khắc phục, trao đổi kinh nghiệm và các sáng kiến mới thực hiện các hoạt động của Dự án, thống nhất kế hoạch triển khai các hoạt động sắp tới.
Trong phần khai mạc hội thảo, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS, Giám đốc dự án đã bày tỏ sự cảm ơn đến Ngân hàng Thế giới và các đối tác địa phương đã hỗ trợ Dự án trong suốt thời gian qua; Bà Đào Lan Hương, Chuyên gia y tế cao cấp, Trưởng nhóm công tác của Ngân hàng Thế giới đã khen ngợi Dự án đã có nhiều hoạt động ý nghĩa và hiệu quả trong việc nâng cao năng lực, nhận thức và hành động của cộng đồng trong phòng, chống COVID-19 cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp về sức khoẻ có thể xảy ra trong tương lai.
Tiếp theo, bà Khuất Thu Hồng cùng một số cán bộ dự án đã báo cáo về tiến độ thực hiện dự án và kết quả đạt được cho đến 31/7/2023. Theo đó, Dự án đã triển khai được nhiều hoạt động trọng tâm và đạt được các kết quả khả quan, bao gồm:
-
- Hoàn thành được 5 bộ tài liệu kỹ thuật và tập huấn cho hơn 2.000 lãnh đạo, đại diện các ban ngành, đoàn thể, các cán bộ trạm y tế… tại 27 xã dự án về phối hợp liên ngành, phòng ngừa lây nhiễm, duy trì dịch vụ y tế cơ bản, hỗ trợ điều trị và chuyển tuyến, truyền thông nguy cơ;
- Hỗ trợ kiện toàn mạng lưới Zalo của 27 xã với hơn 255 nhóm Zalo thôn/tổ/ấp, thu hút sự tham gia của hơn 38.500 hộ;
- Thực hiện các hoạt động và sáng kiến truyền thông trong cộng đồng như: Cuộc thi xây dựng video clip với chủ đề “Cộng đồng an toàn và khoẻ mạnh”, cuộc thi vẽ tranh cho các em thiếu nhi với chủ đề “Thiếu nhi khỏe mạnh – sẵn sàng chống dịch”, cuộc thi kiến thức cho toàn bộ người dân tại 27 xã dự án với chủ đề “Vì một cộng đồng mạnh khỏe và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”…;
- Xây dựng và thí điểm mô hình để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương chuẩn bị và ứng phó với COVID-19, theo đó Dự án đã thành lập mạng lưới tình nguyện viên cộng đồng của 10 nhóm dễ bị tổn thương với 97 thành viên đến từ các nhóm bị ảnh hưởng bởi HIV, nhóm dân tộc thiểu số, nhóm người cao tuổi và nhóm lao động di cư. Các nhóm này đã tiếp cận hơn 3.300 thành viên khác trong cộng đồng của họ.
Báo cáo cũng đưa ra một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án thời gian qua. Về thuận lợi, Dự án luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ nhà tài trợ, thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm, đồng thời được Ban Điều phối tỉnh ủng hộ và sự tham gia rất trách nhiệm của 27 xã. Về khó khăn, một số địa phương còn chưa quan tâm đầy đủ đến Dự án; tình hình dịch COVID-19 có những thay đổi liên tục dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dần ít quan tâm của cộng đồng; thị trường có nhiều biến động, do đó nhiều định mức chi tiêu cũ không phù hợp; khối lượng biểu mẫu, chứng từ lớn… Với mỗi khó khăn, Dự án cũng đưa ra một số giải pháp để khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động của Dự án trong thời gian tới.
Tiếp theo phần báo cáo, thảo luận toàn thể, trong buổi chiều cùng ngày, hội thảo được chia thành 5 phòng họp song song để thảo luận về 5 chuyên đề chính của dự án, bao gồm: (1) Công tác điều phối các hoạt động của Dự án; (2) Triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành và diễn tập tại các xã dự án; (3) Triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông tại xã (Zalo, truyền thanh, truyền tin, thi video clips v.v; (4) Nâng cao năng lực cho cán bộ trạm y tế xã; (5) Hoạt động của các nhóm dễ bị tổn thương. Tại các phiên họp song song, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc họ gặp phải trong quá trình thực hiện các hoạt động của Dự án tại địa phương, đồng thời cũng đưa ra các sáng kiến và đề xuất để khắc phục các khó khăn vướng mắc này. Tất cả các ý kiến đều được tổng hợp lại để báo cáo trong phiên họp toàn thể tại vào buổi sáng ngày họp thứ 2.
Buổi sáng ngày họp thứ 2, các đại biểu đã cùng lắng nghe và đóng góp ý kiến cho những kết quả thảo luận của 5 cuộc họp song song trong ngày 1. Buổi chiều cùng ngày, hội thảo đã kết thúc với phần tổng kết và định hướng hoạt động trong thời gian tới. Bà Khuất Thu Hồng đã cảm ơn các đại biểu đã có sự đóng góp tích cực và mong muốn Dự án sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ các bên liên quan. Bà Đào Lan Hương đã đánh giá cao kết quả của hội thảo và khẳng định Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Dự án trong thời gian tới.
Một số hình ảnh của sự kiện:
Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Giám đốc Dự án, phát biểu khai mạc hội thảo.
Bà Đào Lan Hương, Chuyên gia y tế cao cấp, Trưởng nhóm công tác của Ngân hàng Thế giới chia sẻ tại hội thảo.