Ngày 12/1/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đã tổ chức Hội thảo tổng kết dự án năm 2023 và kế hoạch năm 2024 của Dự án Tăng cường Năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID).
Tham gia hội thảo có gần 100 đại biểu đại diện Ngân hàng Thế giới, Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án trung ương, Ban điều phối dự án 3 tỉnh, Trung tâm Y tế 9 huyện, Đảng ủy/UBND 27 xã, trưởng trạm y tế 27 xã dự án cùng một số thành viên thuộc 10 nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương tại 3 tỉnh dự án.
Phát biểu khai mai hội thảo, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS, Giám đốc dự án cho biết: “Hội thảo này là cơ hội để các đại biểu nhìn lại những thành quả dự án đã đạt được sau 1 năm bận rộn với rất nhiều hoạt động huy động sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành, đoàn thể và người dân tại 27 xã dự án. Đồng thời, đây cũng là cơ hội điểm lại những khó khăn, thuận lợi, rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động của dự án trong năm 2024, qua đó hoàn thành tốt các kế hoạch dự án đã đề ra”.
Đại diện nhà tài trợ và cũng là Chủ nhiệm dự án, TS. Đào Lan Hương, Chuyên gia y tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chia sẻ: “Dự án được thực hiện trong những năm hết sức sóng gió bởi đại dịch COVID-19 và những hậu quả của COVID-19 gây ra, tuy vậy dự án cũng đạt được những kết quả rất đáng khích lệ với nhiều sáng kiến và hoạt động đa dạng, nhiều sản phẩm đào tạo và truyền thông phong phú, nhiều mạng lưới Zalo được thiết lập… Chúng tôi mong năm cuối của dự án này sẽ là năm bứt phá để có thể hoàn thành được các chỉ tiêu và mục tiêu của dự án, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho những người hưởng lợi từ dự án. Đồng thời chúng tôi cũng mong sau khi dự án kết thúc những sản phẩm của dự án tiếp tục được sử dụng, nhân rộng tại các tỉnh ngoài dự án”.
Trong phần báo cáo các hoạt động triển khai trong năm 2023, TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ những kết quả dự án đã đạt được theo bốn hợp phần chính của dự án, bao gồm:
Hợp phần xây dựng năng lực ở cấp cơ sở trong chuẩn bị, ứng phó COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe khác: dự án đã hoàn thiện 2 tài liệu hướng dẫn liên quan đến phối hợp liên ngành; tổ chức 12 lớp tập huấn với sự tham gia của hơn 400 cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã thuộc ba tỉnh Dự án; hỗ trợ 27 xã Dự án hoàn thiện bản kế hoạch liên ngành cũng như tiến hành diễn tập phối hợp liên ngành với kịch bản dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Về tăng cường năng lực của trạm y tế xã, dự án đã hoàn thiện 3 tài liệu kỹ thuật về các nội dung phòng ngừa lây nhiễm tại trạm y tế (TYT) xã, Hỗ trợ điều trị và chuyển tuyến các bệnh nhân COVID-19 tại tuyến xã, Duy trì cung cấp dịch vụ y tế cơ bản tại TYT xã trong đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác về dịch bệnh; tổ chức 18 lớp tập huấn về 3 nội dung vừa nêu cho gần 900 cán bộ trạm y tế tại 142 xã thuộc 9 huyện của 3 tỉnh dự án. Ngoài ra, dự án cũng đã mua sắm và bàn giao trang thiết bị hỗ trợ cho 27 TYT xã dự án với tổng giá trị là 253.500 USD.
“Hoạt động xây dựng kế hoạch và diễn tập phối hợp liên ngành do dự án hỗ trợ đã giúp xã chúng tôi nâng cao năng lực, chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng chống dịch một cách phù hợp nhất, đồng thời thiết lập được cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể của xã để ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp về sức khoẻ, vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”, bà Trần Thị Băng Tuyết, Phó Chủ tịch xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, cho biết.
Hợp phần nâng cao nhận thức và kiến thức nhằm thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng thông qua truyền thông nguy cơ: dự án đã hoàn thiện tài liệu Truyền thông nguy cơ và Cẩm nang truyền thông cộng đồng; tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 420 cán bộ UBND, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), Trung tâm y tế, cán bộ truyền thông, công an, một số tổ chức đoàn thể… tại 27 xã dự án về nội dung liên quan đến truyền thông nguy cơ trong tình huống có dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác về dịch bệnh; tổ chức 7 lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông và quản trị Zalo cho 327 cán bộ tại 27 xã Dự án; hỗ trợ kiện toàn và vận hành mạng lưới Zalo của 27 xã với hơn 93.500 hộ tham gia vào các nhóm Zalo thôn/tổ/ấp. Ngoài ra, dự án cũng tổ chức một số cuộc thi cho cộng đồng, bao gồm cuộc thi xây dựng video clip “Cộng đồng an toàn và khoẻ mạnh”, cuộc thi vẽ tranh cho học sinh tiểu học, và cuộc thi kiến thức phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng trên nền tảng Vui Khỏe. Các cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và tham gia rộng rãi của cộng đồng, đồng thời cũng là cơ hội để tuyên truyền và nâng cao nhận thức về sức khỏe và phòng chống dịch bệnh.
Chia sẻ về hoạt động của mạng lưới Zalo địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, cho biết: “Trong thời điểm dịch COVID-19, phường cũng đã triển khai một số nhóm Zalo, ví dụ như nhóm Đi chợ hộ… tuy nhiên, với sự hỗ trợ của dự án, các nhóm Zalo của phường đã hoạt động tốt hơn, nhiều nhóm đã thu hút được hơn 90% số hộ dân trên địa bàn tham gia. Hiện nay các nội dung về những hoạt động của phường đều được thông báo trên những nhóm Zalo này, qua đó thông tin đã được đưa đến người dân 1 cách nhanh chóng, thuận tiện và chính xác, không còn phụ thuộc nhiều vào hệ thống loa truyền thanh như trước”.
Hợp phần xây dựng và thí điểm mô hình để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương chuẩn bị và ứng phó với COVID-19: dự án đã thành lập được 10 nhóm tại 3 tỉnh dự án với 98 thành viên, bao gồm người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người sống trong khu vực có nguy cơ cao. Các nhóm thường xuyên triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, kiến thức, thực hành về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương. Dự án cũng tổ chức 13 lớp tập huấn cho gần 300 lượt thành viên nòng cốt của các nhóm về các kỹ năng tiếp cận, truyền thông nhóm nhỏ, viết bài, kết nối dịch vụ để các nhóm thực hiện tốt hơn các hoạt động và sáng kiến của mình. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của dự án, nhóm Câu Lạc Bộ Người Sán Dìu xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công cuộc thi văn nghệ “Nâng cao sức khỏe và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”, thu hút sự quan tâm và tham gia của hơn 200 người Sán Dìu tại xã Minh Quang; hỗ trợ CLB người cao tuổi thị trấn Bến Lức tại Long An tổ chức cuộc thi kiến thức về chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi, 100 cán bộ, hội viên NCT đại diện cho 10 khu phố trên địa bàn thị trấn.
Đề cập đến cuộc thi văn nghệ của nhóm Câu lạc bộ Người Sán Dìu, ông Lâm Văn Ba, trưởng nhóm, khẳng định: “Sáng kiến này là vì sức khỏe cộng đồng, phòng tránh các loại bệnh truyền nhiễm nên bà con dân tộc Sán Dìu rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia. Mong là hoạt động này được diễn ra thường xuyên hơn để chúng tôi có cơ hội tăng thêm hiểu biết, từ đó giúp truyền thông tới đông đảo nhân dân để nâng cao tinh thần phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ”.
Hợp phần quản lý và điều hành dự án, giám sát và đánh giá, và phổ biến kiến thức,: dự án đã xây dựng được một cơ cấu quản lý và điều hành dự án gồm 11 cán bộ Ban quản lý dự án trung ương, 4 chuyên gia Ban cố vấn dự án, 4 chuyên gia Nhóm chuyên gia dự án, và các Ban điều phối dự án tỉnh tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa và Long An. Về công tác giám sát và đánh giá, dự án đã tổ chức hội thảo giữa kì tại Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 15 đại biểu đến từ các cơ quan liên quan cấp trung ương và địa phương, các chuyên gia, Nhà tài trợ và Ban quản lý dự án. Hội thảo đã cung cấp bức tranh tổng thể về tiến độ triển khai dự án, cũng như rà soát để đo lường mức độ phù hợp, hiệu quả và tính bền vững của can thiệp của dự án. Dự án cũng đã phối hợp cùng Nhà tài trợ triển khai chuyến giám sát hỗ trợ lần 2, bao gồm thăm thực địa và làm việc cùng Ban điều phối dự án tỉnh Vĩnh Phúc và các cuộc họp đánh giá tiến độ và hỗ trợ các vấn đề trong quá trình triển khai dự án. Ngoài ra, Dự án cũng đã thực hiện 85 chuyến công tác làm việc về nhiều nội dung như hướng dẫn kĩ thuật, giám sát theo dõi các hoạt động, thanh quyết toán. Về chia sẻ và phổ biến kiến thức, dự án đã xây dựng và vận hành các kênh truyền thông trực tuyến, bao gồm website, Fanpage, kênh Zalo, nhằm cung cấp các thông tin, tài liệu, tin tức về các hoạt động của dự án, cũng như các kiến thức liên quan đến phòng chống COVID-19, phối hợp liên ngành, truyền thông nguy cơ, quản trị và phát triển nhóm Zalo. Các kênh truyền thông của dự án đã thu hút được sự quan tâm và tương tác của nhiều người, đặc biệt là những người tham gia trực tiếp hoặc được hưởng lợi từ dự án.
Tiếp theo phần cập nhật kết quả hoạt động 2023, bà Trần Thị Bích Trâm, Phó Chủ tịch xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và Bà Trần Thị Băng Tuyết, Phó Chủ tịch xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đã chia sẻ kinh nghiệm và bài học về quá trình xây dựng, thực hiện các kế hoạch và diễn tập phối hợp liên ngành tại 2 xã.
“Trong quá trình đi thực tế tại nhiều địa phương, chúng tôi rất cảm động khi thấy trong lúc bộn bề công việc nhưng nhiều buổi diễn tập phối hợp liên ngành vẫn có sự tham gia nhiệt tình của các lãnh đạo xã như Bí thư, phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch xã, cùng đại diện nhiều cơ quan, ban ngành xã. Có rất nhiều xã làm tốt với những kịch bản diễn tập dựa trên chính tình hình thực tế của xã mình, cũng như có sự kết hợp chặt chẽ giữa tỉnh – huyện – xã”, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Giám đốc Kỹ thuật của dự án, nói.
Cuối hội thảo, các đại biểu cũng đã tham gia tích cực vào phần thảo luận về giải pháp thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2024 của dự án, trong đó tập trung vào việc mở rộng quy mô của các hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến cơ sở ở những địa phương bên ngoài địa bàn dự án, đẩy mạnh việc chia sẻ và sử dụng những sản phẩm đã tạo ra, sử dụng hiệu quả nguồn ngân lực dự án đã góp phần nâng cao năng lực…
“Để tăng cường tính bền vững của dự án, chúng tôi rất mong những sản phẩm của dự án sẽ được 3 tỉnh, 9 huyện, 27 xã dự án duy trì và tích cực lan toả. Với năng lực và nguồn lực sẵn có của các địa phương, chúng tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể nhân rộng và lan toả kết quả của dự án này để ngày càng có thêm nhiều người hơn nữa được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án”, bà Nguyễn Thuỳ Anh, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, đồng Chủ nhiệm dự án, chia sẻ.