Nghiên cứu “Tele-SSM: Sáng kiến ứng dụng công nghệ điện thoại trong can thiệp các kỹ năng tự quản lý trầm cảm có sự hỗ trợ tại Việt Nam” được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc Gia (NAFOSTED) tài trợ.
Mục đích cuối cùng của nghiên cứu là đánh giá tính khả thi và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ điện thoại vào can thiệp hỗ trợ các kỹ năng tự quản lý trầm cảm SSM, nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc tâm lý dựa trên khoa học và tiết kiệm chi phí cho người trầm cảm nhẹ và vừa.
Mục tiêu của dự án bao gồm:
Các mục tiêu cụ thể của nghiên cứu này bao gồm:
- Chuyển đổi can thiệp hỗ trợ các kỹ năng tự kiểm soát trầm cảm SSM từ hình thức trực tiếp sang qua điện thoại;
- Phát triển phần mềm quản lý quá trình cung cấp can thiệp và quản lý các ca nhận can thiệp;
- Phân tích và đánh giá hiệu quả can thiệp với bệnh nhân trầm cảm nhẹ và vừa;
- Phân tích và đánh giá hiệu quả chi phí của can thiệp qua điện thoại so với can thiệp trực tiếp
Các kết quả cụ thể của dự án:
- Can thiệp tâm lý xã hội Tele-SSM hỗ trợ kỹ năng tự quản lý trầm cảm qua điện thoại cho bệnh nhân trầm cảm được chuyển đổi từ can thiệp hỗ trợ kỹ năng tự quản lý trầm cảm SSM từ hình thức trực tiếp qua hình thức từ xa qua điện thoại nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người trầm cảm với chăm sóc tâm lý.
- Bài báo đánh giá hiệu quả điều trị ban đầu của can thiệp Tele-SSM, cụ thể bài báo sẽ so sánh triệu chứng can thiệp, chất lượng cuộc sống, lòng tự trọng, nhận thức hỗ trợ xã hội trước và sau can thiệp, và đánh giá về can thiệp qua kết quả nghiên cứu định lượng về sự hài lòng về can thiệp và các phỏng vấn sâu đánh giá về can thiệp.
- Bài báo đánh giá hiệu quả chi phí của can thiệp Tele-SSM bằng cách so sánh ước tính chi phí cơ hội của bệnh nhân khi nhận can thiệp tele-SSM và chi phí cơ hội của bệnh nhân khi nhận dịch vụ chăm sóc tâm lý tại cơ sở y tế gần nhất.
Thời gian thực hiện: 2/2021-2/2024
Đối tượng nghiên cứu: người trầm cảm nhẹ và vừa từ 18-64 tuổi, có khả năng đọc viết, có khả năng nhận thức phù hợp để nhận can thiệp từ xa qua điện thoại.
Địa bàn: Việt Nam