Ngày 22/08 vừa qua, trong khuôn khổ dự án SPR-COVID, nhóm Chủ Nhà Trọ Kiền Sơn tại thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức buổi truyền thông về bệnh sán lá phổi và bệnh sán lá gan cho 35 công nhân nhập cư đang sinh sống và làm việc tại đây.
Buổi truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của công nhân nhập cư về nguyên nhân của bệnh, cách phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhằm giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng của hai loại bệnh này.
Chị Tạ Thị Yến, Trưởng nhóm Chủ Nhà Trọ Kiền Sơn, người trình bày chính của buổi truyền thông, đã cung cấp các thông tin quan trọng về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa của mỗi loại bệnh sán lá phổi và sán lá gan. Chị Yến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nấu chín kỹ các loại thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có nguy cơ cao nếu ăn sống hoặc tái, và thường xuyên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống. Chị cũng khuyến khích mọi người chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong việc phòng ngừa và điều trị nhiễm sán cho các bạn công nhân khác và các chủ nhà trọ khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, chị Yến cũng hướng dẫn các tiếp cận viên của nhóm chia sẻ thông tin về 2 loại bệnh này lên các nhóm Zalo của các nhà trọ.
Chị Thanh Tuyền, chủ nhà trọ và tiếp cận viên của nhóm Chủ Nhà Trọ Kiền Sơn, chia sẻ: “Mình rất thích những buổi truyền thông như thế này vì nó giúp các bạn công nhân nhập cư nâng cao kiến thức về cách phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, những buổi truyền thông thực sự bổ ích như thế này dành cho các bạn công nhân hiện chưa có nhiều và không phải lúc nào cũng có.”
Dù trời mưa to nhưng nhiều công nhân vẫn nhiệt tình đến tham gia buổi truyền thông.
Tính đến tháng 8/2024, nhóm Chủ Nhà Trọ Kiền Sơn đã tổ chức được 11 buổi truyền thông với sự tham gia của hơn 386 lượt công nhân nhập cư được truyền thông. Ngoài ra, nhóm đã tiếp cận được khoảng 300 công nhân nhập cư đang làm việc trên địa bàn. Đây là một phần của dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID)” do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội triển khai từ năm 2022-2024, với sự tài trợ của Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản thông qua Ngân hàng Thế giới.