CHÚNG TÔI, những người đứng đầu các Nhà nước/Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi tắt là ASEAN), tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12, ngày 13/2/2007 tại Cebu, Phi-líp-pin:
NHẮC LẠI Tuyên bố Thỏa ước ASEAN II thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9 họp tại Bali, Inđônêsia, trong đó nêu vấn đề thành lập một Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: một Cộng đồng An ninh ASEAN, một Cộng đồng Kinh tế ASEAN và một Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN;
CŨNG NHẮC LẠI Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết 217(A)(III) ngày 10/12/1948 và những văn kiện quốc tế khác mà tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia mà có liên quan đến bảo đảm các quyền con người và tự do cơ bản, chẳng hạn như Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước về quyền trẻ em;
CŨNG NHẮC LẠI Chương trình hành động Viên chăn được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 ở Viên chăn, CHDCND Lào, mà trong đó, ngoài những vấn đề khác, đề cập đến việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, cũng như các nghĩa vụ trong việc hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động và cởi mở;
KHẲNG ĐỊNH trách nhiệm chung của chúng tôi trong việc hiện thực hóa một tầm nhìn chung cho một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và vững chắc bằng cách thúc đẩy chất lượng sống và tăng cường bản sắc văn hóa của các dân tộc trong khu vực tiến tới một ASEAN lấy nhân dân làm trung tâm, thông qua nhiều biện pháp trong đó có các biện pháp về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú;
THỪA NHẬN sự đóng góp của người lao động di trú với các xã hội và nền kinh tế của cả các nước tiếp nhận và gửi lao động ở ASEAN;
CŨNG THỪA NHẬN chủ quyền của các nước trong việc quyết định chính sách di trú của nước mình liên quan đến người lao động di trú, bao gồm việc quyết định cho nhập vào lãnh thổ nước mình và những điều kiện mà theo đó người lao động di trú phải tuân thủ;
GHI NHỚ những lo ngại hợp lý của các nước nhận và gửi lao động về vấn đề người lao động di trú, cũng như nhu cầu phải thông qua những chính sách di trú toàn diện và hợp lý về người lao động di trú;
CŨNG GHI NHỚ sự cần thiết phải giải quyết những vụ việc lạm dụng và bạo lực chống lại người lao động di trú bất luận xảy ra ở nơi nào;
TÁI KHẲNG ĐỊNH rằng ASEAN cần thúc đẩy tiến trình tiến tới một cộng đồng chia sẻ và cố kết gắn liền với việc tăng cường chất lượng sống và hạnh phúc của các dân tộc trong khu vực, đặc biệt là của những bộ phận dễ bị tổn thương và thiệt thòi;
Cùng tuyên bố như sau:
CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG
- Cả các nước gửi và nhận lao động cần tăng cường ba trụ cột kinh tế và xã hội của Cộng đồng ASEAN thông qua việc thúc đẩy nhân phẩm và tiềm năng đầy đủ của người lao động di trú trong bối cảnh tự do, bình đẳng và ổn định, phù hợp với pháp luật, quy định, chính sách của các nước thành viên;
- Các nước gửi và nhận lao động cần, vì những lý do nhân đạo, hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vụ việc liên quan đến lao động di trú trở thành không có giấy tờ xuất phát những nguyên nhân không phải do lỗi của họ;
- Các nước gửi và nhận lao động cần tính đến các quyền cơ bản và nhân phẩm của lao động di trú và các thành viên trong gia đình đi kèm với họ mà không làm tổn hại đến việc áp dụng pháp luật, chính sách và quy định của các nước nhận lao động, và;
- Không quy định nào trong Tuyên bố này có thể được giải thích như là việc luật hóa tình trạng lao động di trú không có giấy tờ.
NGHĨA VỤ CỦA CÁC NƯỚC NHẬN LAO ĐỘNG
Chiểu theo các luật, quy định và chính sách hiện hành của nước mình, các nước nhận lao động phải:
- Tăng cường những nỗ lực nhằm bảo vệ các quyền con người cơ bản, thúc đẩy hạnh phúc và bảo vệ nhân phẩm của lao động di trú;
- Phấn đấu cho sự hài hòa và khoan dung giữa các nước nhận lao động và lao động di trú;
- Hỗ trợ tiếp cận với các nguồn lực và sự đền bù thông qua việc cung cấp thông tin, tập huấn, giáo dục, tiếp cận tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội nếu cần thiết, phù hợp với pháp luật của các nước nhận lao động, miễn là họ hoàn thành các yêu cầu theo quy định của pháp luật, quy định và chính sách đang áp dụng tại các nước đó hoặc theo quy định trong các hiệp định song phương hay đa phương có liên quan;
- Thúc đẩy một cách thích đáng và công bằng sự bảo vệ việc làm, trả công và tếp cận bình đẳng với công việc và điều kiện sống tử tế cho lao động di trú;
- Hỗ trợ người lao động di trú là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử, lạm dụng, bóc lột, bạo lực được tiếp cận với hệ thống pháp luật và tư pháp của nước nhận lao động; và
- Hỗ trợ thực hiện các chức năng ngoại giao và lãnh sự của nước gốc theo quy định trong pháp luật của nước nhận lao động và phù hợp với Công ước Viên về quan hệ lãnh sự khi lao động di trú bị bắt, kết tội, giam giữ dưới bất kỳ hình thức nào.
NGHĨA VỤ CỦA NƯỚC GỬI LAO ĐỘNG
Chiểu theo các luật, quy định và chính sách hiện hành của nước mình, các nước gửi lao động phải:
- Tăng cường các biện pháp liên quan đến thúc đẩy và bảo vệ các quyền của người lao động di trú;
- Bảo đảm sự tiếp cận với việc làm và cơ hội kiếm sống cho công dân của nước mình như là những sự lựa chọn vững chắc cho sự di trú của người lao động;
- Xây dựng các chính sách và thủ tục nhằm hỗ trợ các vấn đề về di trú lao động, bao gồm việc tuyển dụng, chuẩn bị cho người lao động ra nước ngoài làm việc, bảo vệ họ khi làm việc ở nước ngoài cũng như khi hồi hương và tái hòa nhập họ vào cộng đồng sau khi hồi hương;
- Xây dựng và thúc đẩy các quy tắc pháp lý để quản lý việc tuyển dụng lao động di trú và thông qua các cơ chế để xóa bỏ những hành vi lừa đảo tuyển dụng lao động di trú bằng cách kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng, quản lý và cấp chứng nhận cho các cơ sở tuyển dụng lao động và người sử dụng lao động, và theo dõi những cơ sở làm trái hay cố tình vi phạm các quy định pháp luật về vấn đề này.
CAM KẾT CỦA ASEAN
Vì mục đích bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú, các quốc gia thành viên ASEAN, phù hợp với pháp luật, quy định và chính sách của nước mình, phải:
15.Thúc đẩy các cơ hội việc làm tử tế, nhân bản, sinh lợi và được tôn trọng nhân phẩm cho người lao động di trú;
- Xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển nguồn nhân lực và các chương trình tái hòa nhập cho người lao động di trú ở các quốc gia gốc;
- Thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng đưa lậu và buôn bán người, trong đó bao gồm việc đưa ra các chế tài nghiêm khắc cho những kẻ thực hiện các hành vi như vậy;
- Hỗ trợ việc chia sẻ dữ liệu về các vấn đề liên quan đến người lao động di trú nhằm tăng cường các chính sách và chương trình liên quan đến người lao động di trú ở cả nước gửi và nhận lao động;
- Thúc đẩy xây dựng năng lực bằng cách chia sẻ thông tin, các bài học kinh nghiệm tốt cũng như những cơ hội và thách thức mà các nước thành viên ASEAN đang phải đối mặt trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động di trú;
- Trợ giúp người lao động di trú của các nước thành viên ASEAN bị kẹt trong các cuộc xung đột hoặc khủng hoảng ở các nước ngoài ASEAN dựa trên năng lực và nguồn lực của các đại sứ quán và cơ quan lãnh sự của các nước ASEAN, trên cơ sở kết quả tư vấn và các thỏa thuận song phương;
- Khuyến khích các tổ chức quốc tế, các đối tác của ASEAN và các quốc gia khác tôn trọng các nguyên tắc và cung cấp sự trợ giúp, hỗ trợ để thực hiện các biện pháp nêu trong Tuyên bố này;
22.Thảo luận với các cơ quan có liên quan của ASEAN để tiếp tục thực hiện Tuyên bố và để xây dựng một văn kiện ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú, phù hợp với tầm nhìn ASEAN về một Cộng đồng chia sẻ và quan tâm, và yêu cầu Tổng thư ký ASEAN trình báo cáo hàng năm về việc thực hiện Tuyên bố lên Hội nghị cấp cao ASEAN thông qua Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN.
LÀM tại Cebu, Phi-líp-pin, ngày 30/01/2007, một bản duy nhất bằng tiếng Anh.
Bru-nây Đa-rút-xa-lam:
HAJI HASSANAL BOLKIAH
Quốc vương của Bru-nây Đa-rút-xa-lam
Vương quốc Căm-pu-chia:
SAMDECH HUN SEN
Thủ tướng
Cộng hoà In-đô-nê-xia:
- SUSILO BAMBANG YUDHOYONO
Tổng thống
Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào:
BOUASONE BOUPHAVANH
Thủ tướng
Ma-lai-xi-a:
DATO’ SERI ABDULLAH AHMAD BADAWI
Thủ tướng
Liên bang Mi-an-ma:
THỐNG CHẾ THEIN SEIN
Thủ tướng
Cộng hoà Phi-líp-pin:
GLORIA MACAPAGAL-ARROYO
Tổng thống
Cộng hoà Xinh-ga-po:
LEE HSIEN LOONG
Thủ tướng
Vương quốc Thái Lan:
ĐẠI TƯỚNG SURAYUD CHULANONT (RET.)
Thủ tướng
Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:
NGUYỄN TẤN DŨNG
Thủ tướng
TUYÊN BỐ THÀNH LẬP ỦY BAN ASEAN VỀ THỰC HIỆN TUYÊN BỐ ASEAN VỀ BẢO VỆ VÀ THÚC ĐẨY CÁC QUYỀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG DI TRÚ
CHÚNG TÔI, các Bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ các nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang My-an-ma, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan, và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là những nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau đây gọi tắt theo từng nước là “nước thành viên” và theo tập thể là “các nước thành viên”;
NHẮC LẠI các mục đích và cam kết nêu trong Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (Tuyên bố) đã được những người đứng đầu các nước/chính phủ ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 tại Cebu, Phi-líp-pin, trong đó đề cập đến việc việc thực hiện Tuyên bố và xây dựng một Văn kiện khung ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú, phù hợp với tầm nhìn của một Cộng đồng ASEAN chia sẻ và quan tâm lẫn nhau;
CŨNG NHẮC LẠI các văn kiện quốc tế có liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú mà đóng vai trò nền tảng cho việc tăng cường sự hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này;
Tuyên bố thành lập Ủy ban ASEAN về việc thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú, sau đây gọi là Ủy ban.
Mục đích của Ủy ban
Ủy ban, phù hợp với pháp luật, quy định và chính sách của các nước thành viên, sẽ đóng vai trò là cơ quan điều phối trong ASEAN trong các vấn đề sau:
- Bảo đảm thực hiện có hiệu quả các cam kết nêu ra trong Tuyên bố;
- Hỗ trợ việc xây dựng Văn kiện khung ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú.
Cấu trúc của Ủy ban
Ủy ban sẽ:
- Bao gồm các đại diện cấp cao của mỗi nước thành viên (mỗi nước một người), và một đại diện của Ban thư ký ASEAN;
- Được giúp việc bởi cán bộ của các cơ quan chính phủ có liên quan của các nước thành viên;
- Báo cáo lên Hội nghị các quan chức lao động cấp cao (SLOM);
- Được chủ trì bởi quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Ủy ban điều hành ASEAN; và
- Được hỗ trợ về mặt hành chính của Ban thư ký ASEAN.
Chức năng của Ủy ban
Phù hợp với pháp luật, quy định và chính sách của các nước thành viên, Ủy ban sẽ có những chức năng sau:
- Tìm kiếm tất cả các giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố;
- Hỗ trợ chia sẻ các bài học kinh nghiệm của các nước thành viên trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú;
- Thúc đẩy sự hợp tác song phương và khu vực và hỗ trợ trong các vấn đề liên quan đến quyền của người lao động di trú;
- Hỗ trợ chia sẻ dữ liệu về các vấn đề liên quan đến người lao động di trú nhằm mục đích tăng cường các chính sách và chương trình về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú ở cả các nước gửi và nhận lao động;
- Khuyến khích các tổ chức quốc tế, các đối tác của ASEAN và các quốc gia khác trong việc tôn trọng các nguyên tắc và cung cấp sự hỗ trợ và ủng hộ với việc thực hiện các biện pháp nêu trong Tuyên bố;
- Thúc đẩy sự hài hòa của các cơ chế giữa các nước gửi và nhận lao động mà có tác dụng bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú nhằm thực hiện các cam kết của ASEAN được nêu ở đoạn 17 của Tuyên bố;
- Phối hợp chặt chẽ với Ban thư ký ASEAN trong việc chuẩn bị báo cáo của Tổng thư ký ASEAN trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN; và
- Thúc đẩy việc xây dựng văn kiện ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú;
LÀM tại Cebu, Phi-líp-pin, ngày 30/01/2007, một bản duy nhất bằng tiếng Anh.
Nguồn: http://nhanquyen.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=92&mcid=6