Nghiên cứu
Hoạt động đầu tiên của ISDS trong lĩnh vực này là nghiên cứu “Tìm hiểu về Kỳ thị và Phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại Việt Nam” kết hợp với Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Phụ nữ (ICRW) với tài trợ của USAID. Nghiên cứu đã xác định được nguyên nhân gốc rễ của kỳ thị và phân biệt đối xử là từ cách thức truyền thông về “tệ nạn xã hội”, từ đó đưa ra khuyến nghị tách HIV khỏi tệ nạn xã hội.
Theo yêu cầu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), ISDS đã tiến hành một nghiên cứu khác về chủ đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại nơi làm việc. Kết quả của nghiên cứu này đã được công bố trong toàn hệ thống của Liên Hiệp Quốc.
Cũng với chủ đề kỳ thị và phân biệt đối xử, năm 2006, với tài trợ từ USAID và PEPFAR, ISDS liên kết với ICRW và Horizons thực hiện một nghiên cứu can thiệp nhằm mục đích giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế.
Năm 2009-2010, với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Pact International và UNFPA, ISDS đã thực hiện nghiên cứu về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của những người sống chung với HIV ở Việt Nam. Điểm mới trong nghiên cứu này là những người sống chung với HIV đã được huy động để tham gia xây dựng đề cương, công cụ nghiên cứu, thu thập thông tin điền dã, xử lý và chia sẻ kết quả.
Vận động chính sách
ISDS vận động cho quyền của người có HIV/AIDS và giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Viện cộng tác với Ban Tuyên Giáo Trung Ương xây dựng năng lực cho các cơ quan Đảng và giới truyền thông đại chúng trong việc giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV. Hai tài liệu quan trọng được xây dựng bao gồm tài liệu hướng chống kỳ thị và phân biệt đối xử cho các tổ chức của Đảng và giới truyền thông đại chúng, và một bộ công cụ dẫn hành động. Tài liệu hướng dẫn và bộ công cụ hướng tới hoạt động đã được sử dụng trên toàn quốc bởi các tổ chức ở cả cấp trung ương và địa phương và tạo ra sự quan tâm rộng rãi đến chủ đề này.
Các cuộc triển lãm tranh của họa sĩ có HIV và triển lãm ảnh về cuộc sống của người có HIV do ISDS tổ chức đã trở thành đề tài thu hút nhiều kênh truyền thông đại chúng, giúp chuyển tải các thông điệp rộng rãi và thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà hoạch định chính sách và xã hội.
ISDS cũng tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo nhằm đưa vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử vào Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006 để bảo vệ quyền của người có HIV và ảnh hưởng tích cực đến việc đảm bảo việc giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử được duy trì trong các chương trình quốc gia.
Từ những thành công trên, Viện đã được tiếp nhận thêm nguồn tài trợ của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Chính phủ Hoa Kỳ (PEPFAR) để tiếp tục thực hiện các chương trình can thiệp cả ở Miền bắc và Miền nam Việt Nam trong các năm 2006-2008. Trong các năm tiếp theo từ 2009 đến 2011, Viện và đối tác lâu năm của mình là Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Phụ nữ (ICRW) lại nhận được sự hỗ trợ của PEPFAR thông qua Pact để tiến hành giai đoạn tiếp theo của dự án: xây dựng chiến lược hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV cho các đối tác của PEPFAR. Cũng trong khuôn khổ của giai đoạn này, ISDS và ICRW đã xây dựng thành công các bộ công cụ hướng dẫn hoạt động giảm kỳ thị liên quan đến ma túy, mại dâm và HIV. ISDS đã tổ chức một loạt các khóa tập huấn và hội thảo nâng cao nhận thức về ma túy, mại dâm và HIV cho các đối tác của PEPFAR. Nhiều bài tập trong các bộ công cụ trên đã được các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng áp dụng trong các hoạt động tập huấn của họ.
Chia sẻ thông tin
Với sự tài trợ của Quỹ Ford, trong các năm 2003 đến 2010, Viện đã phối hợp với mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng – mạng lưới của người có HIV lớn nhất tại Việt Nam cùng tạo ra các kênh thông tin và trao đổi giữa những người có HIV và những người làm việc về vấn đề này. Bản tin hàng ngày JVnet – bản tin điện tử song ngữ đã được gửi đi hàng ngày tới hơn 2000 người quan tâm và làm việc về HIV. Bản tin JVnet tháng – dưới dạng báo giấy – đã được phát hành và chuyển đến những nơi không thể truy cập internet. “Sống chung với HIV” tạp chí ra định kỳ hàng quý, được viết bởi những người sống chung với HIV và dành cho những người có HIV đã đến được tay của phần lớn các nhóm sống chung với HIV và các điểm chuyển gửi khắp cả nước. Trong năm 2009, website Sống chung với HIV – dành riêng cho người có HIV đã ra mắt và nhanh chóng trở nên phổ biến trong công động những người có HIV và những người làm việc về lĩnh vực này.
Một trong những nỗ lực mạnh mẽ của ISDS trong lĩnh vực truyền thông liên quan đến HIV là đưa các nhà báo phóng viên tận tâm và chuyên nghiệp đến với những người đang sống chung với HIV để giới truyền thông có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh và những người đang sống chung với căn bệnh này, để tâm tự của họ được chia sẻ, tiếng nói của họ được lắng nghe.
Để nội dung truyền thông đến với khán giả toàn quốc, ISDS đã hợp tác với Đài Truyền Hình Việt Nam thực hiện ghi hình nhiều buổi tọa đàm và hội nghị bàn tròn về chủ đề giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử và bảo vệ quyền của người có HIV.
Xây dựng năng lực và phát triển cộng đồng
ISDS đã hỗ trợ cho các cơ quan của Đảng thông qua các tập huấn về HIV và chống kỳ thị và phân biệt đối xử.
Trên cơ sở kết quả của nghiên cứu can thiệp tại 4 bệnh viện ở Quảng Ninh và Cần Thơ, ISDS đã xây dựng một bộ công cụ và tài liệu giúp các cán bộ y tế nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân có HIV thông qua việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Song hành với hoạt động này, Viện cộng tác thực hiện một chương trình tư vấn cho người có HIV tại Bệnh Viện Đống Đa, Hà Nội, trong khuôn khổ dự án hỗ trợ điều trị ARV của ESTHER do chính phủ Pháp tài trợ.
Cũng trong khuôn khổ của dự án can thiệp cộng đồng nhằm giảm kỳ thị liên quan đến HIV do PEPFAR tài trợ năm 2006-2008, ISDS đã xây dựng và phổ biến sách cung cấp thông tin về HIV và kỳ thị và phân biệt đối xử, đồng thời tổ chức các buổi trò chuyện và tập huấn về chủ đề này với cả giáo viên và học sinh ở một số trường tiểu học và trung học cơ sở tại phường Cẩm Đông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh và phường Cái Khế, thành phố Cần Thơ.
Một hoạt động xây dựng năng lực nữa của ISDS là hỗ trợ thành lập Diễn đàn xã hội dân sự hợp tác phòng chống HIV/AIDS (VCSPA) từ những bước đầu hình thành ý tưởng hoạt động – thông qua đóng góp nhân lực, hỗ trợ về pháp lý và hành chính, cũng như tạo điều kiện về địa điểm cho VCSPA. Mục tiêu của VCSPA nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của xã hội dân sự vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của quốc gia. Ngoài ra ISDS còn cố vấn, hỗ trợ xây dựng đề cương hoạt động, lập kế hoạch hoạt động, và các thủ tục kế toán tổ chức cho nhiều nhóm tự lực của người có HIV, nhóm những người sử dụng ma túy, phụ nữ làm mại dâm và nam quan hệ tình dục với nam.
Hoạt động của ISDS nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức và nhóm tự lực của những người sống chung với HIV, nam quan hệ tình dục với nam, những người nghiện ma túy và làm mại dâm tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ hơn thông qua dự án Quỹ Toàn cầu mà ISDS thực hiện từ nửa cuối năm 2011. Một trong các mục tiêu của dự án 5 năm này là hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực cho các nhóm tự lực, các câu lạc bộ của những người sống chung với HIV và bạn tình của họ, nam quan hệ tình dục với nam, những người nghiện ma túy làm mại dâm tại 5 tỉnh bao gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Vĩnh Long và Cần Thơ. Mục đích chính của hoạt động này là nâng cao quyền năng của các nhóm để bảo vệ quyền của họ và hỗ trợ họ tham gia hiệu quả hơn nữa vào chương trình phòng chống HIV.