Ngày 3/6/2022 vừa qua, hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác về sức khoẻ tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của hơn 90 đại biểu.
Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế có ông Đặng Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban điều phối Dự án tại Vĩnh Phúc. Ngoài ra còn có đại điện của các cơ quan hữu quan của Vĩnh Phúc; đại diện lãnh đạo từ UBND và Trung tâm Y tế của thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Đảo và huyện Bình Xuyên; đại diện lãnh đạo đến từ UBND Trạm Y tế, các tổ chức xã hội của 9 xã thuộc 3 huyện/thị nói trên, cùng một số cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tỉnh.
Từ phía nhà tài trợ có bà Đào Lan Hương, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chủ nhiệm dự án. Từ phía Ban quản lý Dự án có bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, giám đốc Dự án và các cán bộ trong Ban Quản lý Dự án.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 90 đại biểu đến từ các địa bàn dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu và chính thức khởi động dự án tại Vĩnh Phúc. Dự án sẽ triển khai các hoạt động để đạt được các mục tiêu đề ra, bao gồm: Nâng cao năng lực của các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương trong việc kiểm soát lây nhiễm chéo và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu; nâng cao năng lực cán bộ y tế cấp cơ sở trong hỗ trợ điều trị và chuyển tuyến; nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành của người dân trong cộng đồng về phòng ngừa dịch bệnh, theo dõi và chăm sóc sức khoẻ tại nhà; và hỗ trợ giảm tác động của COVID-19 đối với những người bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 trong các nhóm dễ bị tổn thương.
Thay mặt cho nhà tài trợ là Chính phủ Nhật bản, thông qua Quỹ Phát triển Xã hội Nhật bản và Ngân hàng Thế giới, bà Đào Lan Hương, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chủ nhiệm Dự án, phát biểu tại Hội thảo đã nhấn mạnh: “Sự kiện ngày hôm nay đánh dấu bước đồng hành của chúng ta trong chặng đường mới ứng phó với dịch covid-19 và các tình huống khẩn cấp khác về sức khoẻ. Kinh nghiệm chống dịch đã cho thấy vai trò quan trọng của cộng đồng và sự cần thiết phải hỗ trợ đặc biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương”.
Bà Đào Lan Hương, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chủ nhiệm Dự án, nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng và sự cần thiết phải hỗ trợ đặc biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương trong chống dịch.
Trong phần giới thiệu tổng quan về dự án, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Giám đốc dự án, chia sẻ: “Dự án được triển khai trong bối cảnh VN đã trải qua những làn sóng dịch nghiêm trọng nhất. Nhưng không có nghĩa là không cần tiếp tục chống dịch nữa. Trái lại, đây chính là lúc chúng ta có cơ hội để rà soát lại những bài học kinh nghiệm quý giá rút ra từ đại dịch vừa qua, chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những diễn biến mới của dịch covid-19 và những tình huống tương tự trong tương lai. Dự án sẽ là một trong những sáng kiến đầu tiên thực hiện chỉ đạo của chính phủ thông qua NQ 38 về tăng cường năng lực cho cấp cơ sở và chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương như nhóm người có bệnh nền, người cao tuổi, người lao động di cư, DTTS,… Trọng tâm của Dự án là xây dựng và thí điểm các mô hình hỗ trợ nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, cho các nhóm dễ bị tổn thương và thực hiện các sáng kiến của cộng đồng nhằm ứng phó dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác về sức khoẻ.
Ts. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, giám đốc Dự án, giới thiệu tổng quan về dự án.
Ông Hoàng Văn Ngọc, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã đến dự và trình bày về tình hình dịch COVID-19 và các chính sách mới.
Phát biểu tiếp nhận Dự án, ông Đặng Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: “Vĩnh Phúc rất hoan nghênh dự án và mong rằng thông qua dự án sẽ có nhiều mô hình phòng, chống dịch hiệu quả, bền vững, bảo vệ sức khoẻ không chỉ cho người dân địa bàn dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc, mà còn tại nhiều địa phương khác trên cả nước”.
Ông Đặng Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, phát biểu hoan nghênh dự án.
Dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác về sức khoẻ tại Việt Nam” được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). ISDS sẽ trực tiếp phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các Sở, ngành liên quan và 3 huyện/thị triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tại thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Đảo và huyện Bình Xuyên.
Dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác về sức khoẻ tại Việt Nam” khởi động sẽ tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc ứng phó dịch bệnh một cách hiệu quả và bền vững hơn. Dự án trông đợi sẽ xây dựng và thí điểm thành công một số mô hình chống dịch bền vững dựa vào cộng đồng để có thể chia sẻ và nhân rộng tới các địa bàn khác trong tỉnh và các địa phương khác trong cả nước.
NHÀ TÀI TRỢ VÀ ĐƠN VỊ THỰC HIỆN DỰ ÁN
Nhà tài trợ
Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản uỷ thác cho Ngân hàng Thế giới quản lý. Khoản tài trợ không hoàn lại: 2.750.000 USD. Thời gian: 03 năm, 1/2022- 12/2024
Đơn vị thực hiện dự án
Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), thành lập 27/5/2002 theo Quyết định 486/TC-LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép hoạt động số 777 ngày 20/6/2002. Lĩnh vực hoạt động: nghiên cứu, đào tạo, vận động chính sách và phát triển cộng đồng về giới, hoà nhập xã hội và sức khoẻ cộng đồng.
TÀI LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN HỘI THẢO
Bài trình bày và các tài liệu liên quan đến hội thảo sẽ thường xuyên được cập nhật TẠI ĐÂY.
LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN
Đinh Thị Ngọc Quỳnh, Cán bộ Dự án
- Điện thoại: 374289131
- Email: covid@isds.org.vn