Ngày 17/3 vừa qua, tại Long An, hơn 30 thành viên thuộc các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương trong dự án Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID) đã tham gia hội thảo: Các nhóm cộng đồng chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với COVID 19 và các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Tại hội thảo, thành viên đến từ CLB Người cao tuổi thị trấn Bến Lức, CLB Khmer tham gia phòng chống COVID-19, nhóm Châu Thành yêu thương, và CLB Chủ nhà trọ thị trấn Bến Lức đã chia sẻ những trải nghiệm khó khăn về sức khỏe, kinh tế… của bản thân và gia đình khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Mọi người cũng đề cập đến những cách thức mà mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng của những người yếu thế tự xoay xở trong đại dịch.
“Chúng tôi là nhóm Khmer. Chúng tôi đã dịch lại tất cả những bài truyền thông của địa phương, rồi phát lại cho bà con bằng tiếng Khmer để bà con nắm được tình hình dịch bệnh lúc nguy cấp, để bà con bớt sợ hãi, hoang mang”, một thành viên nhóm Khmer cho biết .
“Với những người có HIV và dễ bị tổn thương bởi HIV thì việc được duy trì điều trị ARV, Prep và Pep rất cần thiết. Việc bỏ trị ARV sẽ làm cho tình hình sức khỏe người có HIV tệ hơn và dẫn đến khả năng kháng thuốc. Điều trị Prep và Pep cũng vậv, nếu không có được điều trị kịp thời thì sau đại dịch COVID-19 có thể là một đại dịch khác âm thầm mà cộng đồng sẽ phải chịu đựng”. H.P một thành viên cộng đồng dễ bị tổn thương cho biết.
Hội thảo cũng là cơ hội để các nhóm thảo luận và lập kế hoạch cho các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai, với tinh thần chủ động chăm sóc sức khỏe và chia sẻ thông tin hữu ích. Đặc biệt, họ đã thảo luận về cách tổ chức và truyền đạt các kiến nghị đến chính quyền và các cơ quan liên quan khi cần sự hỗ trợ. Ngoài ra, sự kiện này cũng là dịp để củng cố tinh thần đoàn kết của các nhóm cộng đồng.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Mai An Khang