Nghiên cứu
Từ năm 2007, ISDS bắt đầu mở rộng phạm vi quan tâm nghiên cứu và vận động chính sách sang lĩnh vực người khuyết tật. Với nguồn tài trợ từ Quỹ Ford, ISDS đã thực hiện cuộc điều tra quy mô lớn đầu tiên về người khuyết tật ở Việt Nam tại các tỉnh có tỷ lệ người khuyết tật cao. Điều tra chú trọng quan tâm đến nhóm những người khuyết tật có thể do nguyên nhân phơi nhiễm chất độc Da Cam/Dioxin. Điều tra này đã chỉ ra những bằng chứng về sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội đến người khuyết tật đã ngăn cản họ hòa nhập với cộng đồng chung, khiến họ rơi vào vị thế kinh tế xã hội thấp kém hơn trong cộng đồng.
Trong các năm 2010 – 2011, với sự tài trợ của Ausaid, ISDS đã thực hiện dự án nghiên cứu và vận động liên quan đến các chi phí gây ra bởi kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật. Tham gia dự án có các chuyên gia của Đại học Y Hà Nội, Viện Phát triển Sức khỏe và Dân số (PHAD), các tổ chức của người khuyết tật và Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội của Đảng.
Vận động chính sách và xây dựng năng lực
Kế tiếp cuộc điều tra trên, năm 2008, với sự tài trợ của Quỹ Ford, ISDS đã thực hiện một dự án mới nhằm đến vận động chính sách và xây dựng năng lực cho các tổ chức trong các hoạt động giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật. Trong hoạt động này, Viện cộng tác với Mặt Trận Tổ Quốc và Ban Tuyên Giáo Trung Ương.
Các hoạt động chính của dự án này bao gồm xây dựng Bộ Công cụ hướng dẫn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật và nâng cao năng lự cho các tổ chức và cá nhân làm việc với người khuyết tật. Bộ công cụ đã được sử dụng để tổ chức chương trình tập huấn và hội thảo nâng cao nhận thức ở cấp quốc gia và cấp tỉnh và cấp xã tại bốn tỉnh Thái Bình, Đồng Nai, Quảng Nam và Đà Nẵng.
Thông qua nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ và chương trình tập huấn, ISDS đã trở thành tiên phong trong các hoạt động nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị với người khuyết tật tại Việt Nam. Bộ công cụ và chương trình tập huấn rất độc đáo trong cách đề cập và thảo luận về chủ đề kỳ thị với người khuyết tật. Các đại biểu tham gia hội thảo tập huấn đều đánh giá cao các sáng kiến này và đề nghị mở rộng các hoạt động như vậy sang các địa phương khác ở Việt Nam. Nhiều đại biểu còn cho rằng chủ đề kỳ thị và phân biệt đối xử với những người khuyết tật cần được lồng ghép vào chương trình giáo dục phổ thông.
Tài liệu hướng dẫn các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật đã được Ban Tuyên giáo Trung ương soạn thảo và phổ biến đến hệ thống cán bộ tuyên giáo ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước.